Glucose có phải là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường?

Glucose (đường) có nhiều trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta như cơm, trái cây, bánh kẹo ngọt... Đường được cơ thể chuyển hóa thành năng lượng cần cho cơ thể hoạt động. Việc thiếu hụt hay thừa glucose đều gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ăn quá nhiều đường có phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay không?

Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS. CKII. Nguyễn Thị Thanh Hậu, Trưởng Khối Nội, Tập đoàn Y tế Phương Châu.

Glucose (đường) có vai trò quan trọng đối với cơ thể
Glucose (đường) có vai trò quan trọng đối với cơ thể

Glucose là gì?

Glucose (đường) là một hợp chất hữu cơ thuộc nhóm đường đơn (monosaccharide). Đường được tìm thấy có trong thực phẩm chứa tinh bột, trái cây, rau quả hoặc thực phẩm từ sữa. Khi vào cơ thể, đường có khả năng chuyển hóa thành năng lượng. Cơ thể sẽ dùng nguồn năng lượng chính này để nuôi dưỡng cơ thể và hoạt động cho các tế bào.

Glucose có vai trò quan trọng trong cơ thể của chúng ta

Glucose là một chất dinh dưỡng có giá trị đối với cơ thể người. Cấu trúc phân tử đơn giản giúp đường được cơ thể chuyển hóa thành năng lượng dễ dàng. Cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng này giúp chúng ta sống và sinh hoạt bình thường. Chất đường đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với các quá trình hoạt động bình thường của cơ thể:

Hoạt động của não bộ

Hầu hết các tế bào thần kinh đều cần có năng lượng để hoạt động. Một bộ não sẽ khỏe mạnh nếu được cung cấp năng lượng đầy đủ và liên tục. Vì vậy, cơ thể cần được liên tục cung cấp glucose vào máu.

Duy trì sức mạnh cơ bắp

Sau khi cơ thể đã đủ nguồn năng lượng cần thiết, lượng glucose còn lại sẽ được lưu giữ dưới dạng glycogen và dự trữ ở gan và các cơ bắp. Phần lớn glycogen dự trữ ở đây để cung cấp năng lượng cho các hoạt động thể chất.

Cung cấp năng lượng cho cơ thể ngay tức thì

Glucose có khả năng hấp thụ trực tiếp qua ruột non vào trong máu. Vì thế, sử dụng đường đơn giúp tăng nồng độ đường trong máu nhanh hơn các loại đường khác… Khi mất năng lượng, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi. Ngay lúc này, bạn có thể ăn, uống các loại thực phẩm chứa nhiều đường để cung cấp năng lượng tức thì giúp hồi phục sức khỏe.

Duy trì nhiệt độ cơ thể

Quá trình glucose cung cấp năng lượng cho chuyển hóa cơ bản sẽ sinh ra nhiệt lượng. Điều này giúp duy trì thân nhiệt của cơ thể. Đặc biệt là quá trình tăng thân nhiệt khi bị mất nhiệt hoặc gặp lạnh.

Duy trì sức khỏe tổng thể

Glucose đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Không có glucose sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của da, mô, cơ, xương. Glucose còn giúp duy trì hoạt động của các tế bào, điều hòa nhịp tim và hô hấp.

Cơ thể chúng ta thừa đường hay thiếu đường đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe
Lượng đường khuyến cáo sử dụng tối đa mỗi ngày là khoảng 30 - 50g hoặc 7 muỗng cà phê.

Cơ thể chúng ta dung nạp khoảng bao nhiêu đường là tốt nhất?

Nồng độ glucose trong máu nên nằm ở chừng mức cho phép vẫn là tốt nhất. Việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như béo phì, thừa cần, trầm cảm, hay nguy hiểm hơn là nguy cơ mắc ĐTĐ type 2. Vậy mỗi ngày cơ thể chúng ta có thể sử dụng tối đa bao nhiêu đường? Theo mức khuyến nghị lượng đường tối đa mỗi ngày khoảng 30 - 50 gam đường. Lượng này sẽ ít hơn nếu bạn có thể trạng thừa cân hay béo phì.

Có phải ăn quá nhiều đường sẽ gây bệnh đái tháo đường hay không?

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Nguyên nhân do khiếm khuyết về tiết insulin, lượng insulin tiết ra không đủ hoặc cả hai. Bệnh có 2 thể chính:

Đái tháo đường type 1

Trong thể bệnh này, tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy dẫn đến không thể tự sản xuất insulin. Cơ thể thiếu insulin dẫn đến không thể kiểm soát được lượng đường trong máu dẫn đến bệnh ĐTĐ. Phần lớn ĐTĐ type 1 thường gặp ở người trẻ tuổi.

Đái tháo đường type 2

Trong thể bệnh này, tuyến tụy vẫn tiết ra insulin nhưng lại suy giảm hoặc cơ thể không phản ứng với insulin (kháng insulin) dẫn đến lượng đường trong máu không được kiểm soát.

Ngoài hai thể trên, ĐTĐ còn có một thể bệnh xảy ra trong thai kỳ. Khi mang thai cơ thể người phụ nữ tiết nhiều hormone kháng insulin như estrogen, progesterone. Khi sự đề kháng quá mức dẫn đến cơ thể không tiết ra đủ insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Tình trạng này có thể hết sau khi sản phụ sinh con nhưng cũng có một số trường hợp sẽ tiển triển thành ĐTĐ type 2.

Như vậy việc ăn quá nhiều đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đường khiến lượng đường trong máu vượt mức kiểm soát trong một thời gian dài kết hợp với nhiều yếu tố khác như lối sống, tuổi tác, bệnh lý... sẽ làm tăng nguy cơ bạn mắc bệnh ĐTĐ.

Đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh đái tháo đường
Đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh đái tháo đường

Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể bị thiếu đường?

Một số người có chế độ ăn kiêng quá mức dẫn đến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng. Việc cắt giảm lượng đường trong khẩu phần ăn khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng. Điều này khiến cơ thể gầy mòn, suy kiệt, chức năng của các cơ quan trong cơ thể suy yếu. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như hôn mê, hạ đường huyết, suy giảm các hoạt động trí tuệ và thể chất, thiếu máu dinh dưỡng, dễ nhiễm khuẩn...

Nồng độ đường trong máu quá cao hay quá thấp đều có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Vì thế, bạn nên có lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý. Đặc biệt với bệnh nhân ĐTĐ thì cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học với hàm lượng các chất dinh dưỡng hợp lý. Việc tuân thủ chế độ ăn uống giúp nâng cao hiệu quả điều trị, kiểm soát bệnh ĐTĐ và ngăn ngừa biến chứng.

Tại Trung tâm nội tiết BVQT Phương Châu, điều trị bệnh ĐTĐ được cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân được theo dõi và thay đổi cho phù hợp với điều kiện sức khỏe. Đồng thời điều trị cũng chú trọng đến tâm lý liệu pháp. Các bác sĩ chủ động lắng nghe và đồng hành với sự lo lắng, trăn trở của bệnh nhân. Từ đó có lời khuyên hợp lý để bệnh nhân an tâm tin tưởng và tuân thủ phối hợp điều trị.

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 (nhấn phím 1) để được hỗ trợ thông tin.

Wildcard SSL