VSATTP đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Ngành chức năng có động thái và lộ trình nào để giám sát có hiệu quả?

Hàng ngày, trên phương tiện truyền thông, dư luận xã hội không ngớt phản ánh tình hình vệ sinh an tòan thực phẩm (VSATTP) đang đe dọa cuộc sống người dân, yêu cầu ngành y tế và ngành hữu quan vào cuộc quyết liệt hơn… Những bức xúc này nhìn chung là chính đáng, vì cuộc sống xã hội đã chuyển biến không ngừng, đòi hỏi tiêu chí về chất lượng cuộc sống cũng phải nâng cao.

Thực trạng tình hình VSATTP của nước ta thế nào?

Chỉ điểm qua một số sự kiện trong năm 2007, cũng thấy đúng là có nhiều bất cập: Chuyện trái cây được tẩm hóa chất bảo quản, chuyện Formol trong bánh phở, phẩm màu sudan, chất 3- MCPD trong nước tương hóa thủy phân, chuyện dài rau cải nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản thực phẩm…

Nếu phân tích về mặt dịch tể học thì tính chất từng sự vụ có khi chỉ mang tính chất địa phương, hoặc rộng hơn là vùng, miền- Ngọai trừ dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản thực phẩm. Nhưng dù sao, bối cảnh mà “bàng dân thiên hạ” dễ thấy nhất là tình hình VSATTP chung không đàng hòang, ngành chức năng chưa đủ sức quản lý với vấn đề mới phát sinh. Công bình mà nói, từ khi Cục quản lý vệ sinh an tòan thực phẩm ra đời (năm 1999), đã có nhiều nổ lực trong công tác tổ chức, ban hành các qui phạm, sọan thảo văn bản chỉ đạo (nhưng văn bản có đi vào thực tiễn cuộc sống không lại là vấn đề khác!). Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học cũng đã góp ý những bất cập từ sự chỉ đạo lúng túng về VSATTP. Nhìn vào phương hướng, kế họach vĩ mô của cơ quan này, những người có chút kiến thức trong lãnh vực VSATTP cũng “bần thần”: chẳng hạn vào năm 2010 phấn đấu cấp đăng ký quản lý điều kiện VSATTP 100%; cấp chứng nhận hệ thống HACCP cho cơ sở sản xuất có nguy cơ cao 100%, chấm dứt lọai hình thức ăn đường phố. Riêng chỉ tiêu 90% cán bộ làm công tác VSATTP tuyến cơ sở (quận, huyện, xã, phường) được tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng thực hành kiểm tra thực phẩm... Rõ ràng, nội dung này phản ánh tư duy “lấy ngọn làm gốc”. Thực tế các nước trên thế giới đều chú trọng đào tạo lực lượng chuyên ngành chính qui liên quan đến y tế công cộng, đặc biệt là chuyên ngành VSTP và dinh dưỡng, chứ không thể đào tạo kiểu ... “lấp vá”.Thiết nghĩ, VSATTP là một phạm trù y tế - kinh tế- xã hội, chúng ta không thể dùng “ý chí” chủ quan mà áp đặt nó theo ý muốn của mình! Từ một năm qua, báo chí, dư luận xã hội rất hồ hỡi với chuyện Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, thiết nghĩ sân chơi này đòi hỏi chúng ta có sự đầu tư không ngừng về kiến thức, điều kiện khoa học kỹ thuật, và cái đầu quản lý “nhìn xa, trông rộng”. Tốt nhất chúng ta phải tỉnh táo và không nên nóng vội “đốt giai đọan”. Không gì cái “vía “ WTO, rồi vội vàng đưa ra các chủ trương trái quy luật ( Yêu cầu tất cả lọai hình thức ăn đường phố trong thời gian ngắn phải được cấp giấy chứng nhận “đủ điều kiện VSATTP”, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng (trước đây là 1 năm), tập huấn tất cả các đối tượng tham gia sản xuất, mua bán thực phẩm- kể cả mua gánh bán bưng (có thu tiền!)… Nếu hòan thành các chỉ tiêu trên vào năm 2010, chắc chắn Tổ chức y tế thế giới phải đem mô hình này cho tòan thể cộng đồng thế giới học tập!

Các cơ quan thuộc Bộ y tế từng công bố số liệu rất khiêm tốn: cả nước chỉ có 14/64 tỉnh thành có phòng xét nghiệp sắc ký lỏng (chủ yếu tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí minh), 75% nhân sự công tác lĩnh vực quản lý VSATTP không có bằng cấp chuyên môn liên quan chuyên ngành (Được biết Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội có đào tạo các hệ Cử nhân YTCC từ trước năm 2000; Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh YTCC từ năm 1987, mỗi năm cũng đào tạo từ 15- 20chức danh cử nhân YTCC , nhưng… so với nhu cầu thực tế thì quá mỏng - Chưa kể một số nghỉ việc hoặc làm việc ở mội trường khác!

Trở lại mô hình và phương thức họat động của hệ thống giám sát VSATTP hiện nay, đã lộ ra nhiều bất cập: Khoa VSATTP của các tỉnh, thành (biên chế trung bình 4- 5 cán bộ- Ngọai trừ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) phải “ôm” một khối lượng chức năng, nhiệm vụ đến … chóng mặt: Tập huấn tất cả đối tượng tham gia sản xuất, mua bán (kể cả hàng rong), tổ chức khám sức khỏe, lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm tra cấp giấy chứng nhận “đủ điều kiện VSATTP”, giám sát điều tra, thống kê ngộ độc thực phẩm. Riêng mảng Thanh tra VSTP, chỉ có khỏan 20% các tỉnh, thành có CB Thanh tra chuyên ngành, hoặc kiêm nhiệm (Nghe đâu có vị còn muốn gom luôn thanh tra VSATTP vào luôn khoa này, cho tiện việc … quản lý!). Có lẽ ý tưởng này muốn “copy” từ mô hình FDA của Mỹ!

Lộ trình nào cho công tác quản lý VSATTP:

Muốn nói lộ trình, trước tiên chúng taphải xác định đúng vị trí và thực trạng kinh tế - xã hội - trình độ khoa học kỹ thuật của mình, từ đó mới vẻ lên lộ trình phù hợp, không thể buộc đứa trẻ 6 tháng tuổi bắt chuớc đứa trẻ 3 tuổi hàng xóm tập chạy cho … oai!

Chúng ta từng biết, các nước công nghiệp tiến tiến hiện nay, như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu, hàng trăm năm qua đã từng vất vả trong trong tác quản lý VSATTP và dịch bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt sau giai đọan đệ II thế chiến, khi bắt đầu phục hồi nền kinh tế nước nhà, họ cũng đã đầu tư mạnh mẽ (kinh phí, trang thiết bị, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực an tòan thực phẩm) và thiết kế mô hình quản lý y tế công cộng nói chung và VSATTP nói riêng, xác lập kế họach theo từng bước phát triển xã hội (nhiều nước còn thành lập Bộ Y tế công cộng). Mặc dù vậy các nước nói trên vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết, như bệnh không truyền nhiễm, ung thư, vấn đề ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm và nguồn nước.

Phân tích như trên để tự chúng ta phải xác định yếu tố nhóm nguy cơ ưu tiên vàtiêu chí ưu tiên cần xác định, từ đó vạch ra lộ trình giải quyết một các căn cơ và hiệu quả theo tình hình thực tế “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta từng nghe câu khẩu hiệu “Đảm bảo thực phẩm an tòan từ trang trại đến bàn ăn”- Một khái niệm mà Tổ chức y tế thế giới và Tổ chức Lương Nông đề ra hiện nay là để khái quát bản chất của vấn đề đảm bảo chất lượngthực phẩm cho người tiêu dùng. Có điều cơ quan nào giám sát chặt chẽ ở mỗi khâu nào (Nông nghiệp, Công nghiệp, Thương mại, y tế). Riêng ngành y tế chúng ta cũng nên học tập cách quản lý của cac nước, kể cả các nước trong khu vực như Singapore, Phillippines, Thái lan … Liệu chúng ta có nên bỏ ra tiền tỷ để phân bố chỉ tiêu kiểm tra, lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm hàng năm (nhưng không có biện pháp xử lý gì cả), tình hình hiện nay liệu có nên cấp giấy chứng nhận cho tất cả các sản phẩm tiêu dùng cho xã hội một cách đại trà. Nếu có điều kiện xét nghiệm lại các chỉ tiêu của các sản phẩm này, liệu có bao nhiêu phần trăm tuân thủ với chỉ tiêu họ đã công bố! (Người tiêu dùng thì cứ tưởng sản phẩm có công bố là đảm bảo chất lượng và an tòan!). Bài học mà Cục quản lý VSATTP Trung quốc đã cho chúng ta nhiều suy nghĩ : Sản phẩm nào gởi tới Cục này cũng được xác nhận là có đủ tiêu chuẩn sản xuất và được cấp phép. Trong khi thực tế thì…. (miễn bình luận).

Thiết nghĩ tình hình bức thiết về VSATTP của chúng ta hiện nay, cái chính là tuyên truyền; kiểm tra, giám sát tình hình vệ sinh nơi sản xuất, chế biến, phục vụ, kế đến là đề ra các quy trình, quy phạm (trong đó có việc xem xét cấp phép cho các nhà hàng để được công nhận là nhà hàng (restaurant),hoặc đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, để họ hội đủ tiêu chuẩn công nhận là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho nội địa và xuất khẩu theo chỉ tiêu thực tế, có thể áp dụng mô hình GMP,HACCP hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến khác. Có người thắc mắc: thế thì dạng thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất hộ gia đình ai quản lý. Theo tôi ngành y tế cũng quản lý, những điều chỉnh họ theo quỹ đạo “kinh tế- xã hội” (Làm ăn “lôm côm”, kém vệ sinh, bị phạt hòai, chính sách cải tạo đô thị, sự tẩy chay của người tiêu dùng thông thái- vì sản phẩm trên không được chứng nhận chất lượng sản phẩm). Tất nhiên, ngay cả chọn lộ trình quản lý này, thì tối thiểu nhà nước phải dành một phần kinh phí nhất định cho công tác quản lý, thanh kiểm tra (tuyến phường, xã giao cho y tế và công an), đào tạo nguồn nhân lực (Trước hết là chuyên khoa y tế công cộng, xét nghiệm), trang bị phương tiện xét nghiệm nhanh tại hiện trường và xét nghiệm cơ bản hóa- sinh trong Labo (các xét nghiệm kỹ thuật cao chỉ bố trí tại các Labo khu vực).

Ông bà ta đã từng đúc kết kinh nghiệm: “chớ thái quá, mà cũng đừng bất cập”. Muốn vậy chúng ta cần xác định “cái tâm và cái tầm” của nhà quản lý VSATTP bất cứ cấp độ nào.

Nhân đây cũng xin nói về áp lực của dư luận xã hội. Đôi khi nhà quản lý cũng điên đầu khi bị báo chí “làm nóng” quá mức. Nhiều khi một sự kiện liên quan đến VSATTP bị thổi phòng, hoặc “hình sự hóa” vấn đề. Bài học ràng ràng: Mới nghe một số nước tương có hàm lượng vượt tiêu chuẩn ( thực tế là lọai hóa thủy phân), báo chí vội “la tóang”vềthảm họa “ ung thư” cho con người khi đã ăn nước tương (Trong khi chưa có nghiên cứu nào xác định điều này), chỉ nghe cơ sở nào có dùng đường hóa học, phẩm màu là … đại họa ung thư! (lọai nào và trường hợp nào gây ung thư lại là vấn đề khác); Có dạo báo chí đưa tin: vật liệu bình chứa nước có thành phần Mangan từ hợp chất Inox không đúng công thức, thế là ... nguy cơ ung thư cho người đã lỡ uống lọai nước này!. . Mặt khác, người làm công tác VSATTP có khi áp lực từ … trên trời rơi xuống: dịch tả không lo gíám sát nguồn nước, mà “quýnh quáng” lo đi tiêu hủy mắm tốm (có địa phương đã tuân lệnh làm thật!), một nhà hàng nọ có hiện diện vài gói phụ gia không có chữ tiếng Việt … bị qui kết và xử lýmức vi phạmcòn hơn tội gian lận thương mại! (Trong khi cái gốc là hàng phi mậu dịch vẫn thản nhiên qua cửa khẩu, tràn lan ngòai thị trường, thì hầu như không được ngành chức năng giám sát chặt chẽ). Thực tế do chúng ta chưa đủ điều kiện để đi sâu, phân tích các mối nguy cơ từ hóa chất, kim lọai nặng, hoặc thực hiện đề tài “ xác định yếu tố phôi nhiễm” của nhóm thực phẩm có nguy cơ cao nhất, để có biện pháp giám sát phù hợp.

Thiết nghĩ trong tình hình hiện nay, chúng ta cần sóat xét lại những nội dung giám sát VSATTP, đồng thời mạnh dạn điều chỉnh nội dung và lộ trình kiểm sóat, tránh hiện tượng chạy theo phong trào, hoặc ôm đồm quá nhiều công việc cùng một lúc, trong khi chưa đủ nguồn lực, để rồi than thở: Lực bất tòng tâm!Ví dụ chúng ta có thể tận dụng nguồn kinh phí có được để trang bị các dụng cụ thử nghiệm nhanh tại hiện trường, trong khi chưa có điều kiện trang bị những thiết bị Labo đắt tiền? Tại sao lại giao cho chỉ TTYTDP lấy mẫu kiểm tra, trong khi cơ quan này không có chức năng xử phạt? Trong thời điểm hiện nay, giao nhiệm vụ xét duyệt, cấp phép cơ sở kinh doanh cho tuyến cơ sở (xã, phường) liệu có khả thi?. Mặt khác ngành y tế cũng nên có động thái “điều chỉnh” dư luận xã hội, tránh những việc có bản chất không quá nghiêm trọng, trở thành luồng dư luận quá nóng, làm người tiêu dùng hoang mang quá mức. (Ở các nước tiên tiến, khi báo chí phản ánh một sự kiện sai sự thật, doanh nghiệp có quyền khởi kiện để được đền bù thiệt hại, sự vụ nghiêm trọng hơn có thể bị truy tố!). Nhiều địa phương than thở… thấy thương: với tình hình nhân lực, vật lực còm cõi như hiện nay, ngành y tế đã “chạy” hết công suất vẫn bị báo chí phê bình. (Tất nhiên có cái đúng, có cái cũng... hơi oan!)

Lịch sử luôn cho ta lời giải đúng. Song song đó lịch sử cũng “nghiền nát” những cách hành xử không hợp qui luật xã hội. Mong rằng ngành chức năng cấp Trung ương “thấy” được và “cảm” được những bức xúc và bất cập từ các địa phương!

(Theo Sở Y tế Cần Thơ)

Wildcard SSL