Giảm đau trong chuyển dạ có biến chứng đau lưng không?

Bài viết được cố vấn bởi BS. Trần Quốc Huy, Khoa Cấp Cứu Sản Phụ Khoa – Phòng Sanh

Một trong những vấn đề mà các mẹ bầu thường quan tâm đó là làm sao để giảm nhẹ cơn đau trong quá trình chuyển dạ. Vậy có phương pháp nào giúp mẹ bầu trải qua quá trình chuyển dạ nhẹ nhàng nhưng vẫn an toàn, hiệu quả, và không gây tác dụng phụ khác không? Hãy cùng Bác Sĩ khoa Cấp cứu Sản Phụ Khoa tại BVQT Phương Châu giải đáp thắc mắc cho các mẹ nhé.

 

 

1. Giảm đau trong chuyển dạ là gì?

Giảm đau trong chuyển dạ là một trong những biện pháp giảm đau khi theo dõi sinh thường. Các bác sĩ sẽ bơm thuốc tê liên tục vào khoang ngoài màng cứng để giúp cho mẹ bầu được giảm đi cảm giác đau giúp tránh mất sức trong quá trình sinh.
 

2. Khi nào tôi có thể được làm giảm đau sản khoa?

 

Mẹ bầu theo dõi sinh thường, khi cổ tử cung xoá mở tốt (thường từ 3cm trở lên), cơn gò nhiều gây đau, sức khoẻ của mẹ và thai nhi bình thường để có thể tiếp tục theo dõi sinh ngã âm đạo sẽ được bác sĩ cho chỉ định làm giảm đau sản khoa.

Trước khi thực hiện giảm đau sản khoa, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức khám và đánh giá sức khoẻ, tình trạng bệnh lí, tiền sử, khám toàn trạng sản phụ, chiều cao, cân nặng (hiện tại và trước khi mang thai), các thông số sinh tồn.

Đặc biệt, các mẹ bầu sẽ được khám về hô hấp và tuần hoàn cùng tình trạng da vùng lưng, khả năng cúi cong lưng, tình trạng dị dạng cột sống. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ đánh giá có hay không các triệu chứng nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật và biến chứng. Nếu không có dấu hiệu bất thường và chống chỉ định, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật giảm đau sản khoa (thủ thuật từ 10 – 20 phút).

 

3. Giảm đau sản khoa có làm kéo dài thời gian sinh không?

 

Mẹ bầu sau khi làm giảm đau sản khoa vẫn sẽ được theo dõi tiếp chuyển dạ, giảm đau sản khoa không làm chuyển dạ kéo dài hơn hay làm tăng tỉ lệ mổ lấy thai. Tuy nhiên mổ lấy thai có thể được thực hiện nếu có chỉ định (chuyển dạ ngưng tiến triển, suy thai, tim thai bất thường...)

 

4. Sau khi làm giảm đau có bị đau lưng không?

Đau lưng là triệu chứng mẹ bầu hay gặp sau khi mang thai, sinh đẻ, do rất nhiều nguyên nhân như thay đổi chuyển hoá canxi, thay đổi độ cong sinh lý cột sống khi mang thai. Sản phụ đau lưng vùng chọc kim một vài ngày sau gây tê là chấp nhận được. Nếu đau nhiều, mẹ bầu cần khám để loại trừ các biến chứng nhiễm trùng. Các nghiên cứu đến nay chưa khẳng định được mối liên quan giữa gây tê ngoài màng cứng và đau lưng mãn tính.

 

Hình ảnh minh họa cách thức thực hiện gây tê màng cứng
Hình ảnh minh họa cách thức thực hiện gây tê màng cứng

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

🏩 BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

📍 Địa chỉ: 300 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Tổng đài hỗ trợ tư vấn: 1900 54 54 66 (nhấn phím 1)

📲 Đặt lịch hẹn khám các chuyên khoa tại Phương Châu qua số 0907 939 346 hoặc link: https://bit.ly/PCDatlichkham

 

Tài liệu tham khảo:

Hướng dẫn thực hành gây tê ngoài màng cứng để giảm đau cho chuyển dạ, Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, 2021.

Wildcard SSL