SERIES ĂN DẶM - VỊ NGON TỪ BỮA ĂN ĐẦU ĐỜI

PHẦN 6 - GIẢI MÃ ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM 3 PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM

Bs Nguyễn Thị Mỹ Dung, Khoa Nhi – Sơ sinh, BVQT Phương Châu

SERIES ĂN DẶM đã có 5 phần:

PHẦN 1: HIỂU ĐÚNG VỀ BỮA ĂN ĐẦU TIÊN CỦA BÉ - http://bit.ly/pcandamp1

PHẦN 2: THỜI ĐIỀM VÀNG ĐỂ ĂN DẶM http://bit.ly/pcandamp2

PHẦN 3: BẬT MÍ 10 NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ GIÚP BÉ ĂN DẶM ĐÚNG CHUẨN - https://bit.ly/pcandamp3

PHẦN 4: SỐ BỮA BÉ CẦN TRONG MỘT NGÀY VÀ 5 LƯU Ý DÀNH RIÊNG CHO ĂN DẶM - https://bit.ly/pcandamp4

PHẦN 5: TÌM HIỂU 3 PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM “HOT” NHẤT HIỆN NAY - https://bit.ly/pcandamp5

Với mong mỏi làm sao cho bé ăn ngon chóng lớn, “Lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp” là câu hỏi khiến nhiều ba mẹ rất băn khoăn.

Cùng bác sĩ Nhi khoa Phương Châu đi tìm lời giải cho bài toán về ưu và nhược điểm của 3 phương pháp ăn dặm quen thuộc qua PHẦN 6 - cũng là phần cuối cùng của SERIES này ba mẹ nhé!

Hình minh họa mẹ băn khoăn lựa chọn 3 phương pháp ăn dặm

1.  Phương pháp ăn dặm truyền thống

* Ưu điểm:

- Bé không có răng có thể nhai thức ăn mềm, nghiền khá dễ dàng

- Mẹ biết được lượng thức ăn mà bé đã ăn được từ đó dễ điều chỉnh hơn

- Hệ tiêu hóa được bảo vệ bởi thức ăn được xay nhuyễn hoàn toàn

- Đỡ mất thời gian dọn dẹp hơn so với ăn dặm tự chỉ huy

- Cách chế biến đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian.

* Nhược điểm:

- Ảnh hưởng đến khả năng ăn thô, khả năng nhai và nuốt kém hơn

- Mẹ có thể mất nhiều lần thử nghiệm trước khi tìm ra sở thích về hương vị và kết cấu phù hợp với bé

- Trong một vài lần cho ăn đầu tiên, có thể có một cuộc đấu tranh giữa người cho ăn và em bé, vì cả hai vẫn còn mới đối với toàn bộ quá trình ăn dặm, điều này có thể làm ba mẹ trở nên khá mất kiên nhẫn và dẫn đến việc ép ăn.

- Bé không có thời gian làm quen với từng vị thức ăn do ăn nhiều thực phẩm trộn lẫn, vì vậy ba mẹ không phát hiện bé có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào

- Bé ăn với số lượng nhiều và quá nhiều chất đạm sẽ không hấp thụ hết gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa, hấp thu của bé.

- Việc thiếu lựa chọn hoặc kiểm soát việc cho ăn cũng có thể cản trở mong muốn ăn nhiều hơn của bé. Khi bé không được chủ động và tạo thú vui trong ăn uống hoặc bị ép ăn nhiều lần dẫn đến tình trạng bé sợ ăn, biếng ăn sau này.

2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật:

* Ưu điểm:

- Bé có khả năng ăn thô tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé sớm hơn.

- Bé được tập ăn thô đúng cách, tăng dần độ thô một cách hợp lý phù hợp với sự phát triển của hệ tiêu hóa

- Bé được ăn riêng từng loại thực ăn, không bị trộn lẫn, nhờ đó vị giác dễ dàng phân biệt mùi vị từng loại thực phẩm, kích thích bé ăn ngon miệng hơn.

- Các món ăn của bé đa dạng, đầy đủ nhóm chất, được thay đổi thường xuyên ở các giai đoạn khác nhau phù hợp từng độ tuổi.

* Nhược điểm:

- Cách chế biến cầu kỳ, ba mẹ phải tốn nhiều thời gian để chế biến riêng biệt từng loại thức ăn mỗi ngày. Tuy nhiên có thể khắc phục bằng cách chế biến sẵn rồi trữ đông thức ăn trong các khay chia ô theo khẩu phần từng bữa.

- Mất thời gian và công sức hơn để dạy bé ngồi ngay ngắn và tập cầm thìa.

- Bé ăn số lượng không nhiều như ăn truyền thống và cũng có thể không tăng cân mạnh như phương pháp truyền thống ở giai đoạn đầu.

- Không phải gia đình, ông bà nào cũng ủng hộ các mẹ chăm con theo phương pháp này.

3. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

* Ưu điểm:

- Bé hoàn toàn chủ động trong việc ăn uống: ăn món nào, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào.

- Bé được tự do khám phá màu sắc, mùi vị của từng loại thực phẩm riêng biệt, nhờ đó bé sẽ cảm thấy thích thú hơn với việc ăn uống.

- Bé phát triển nhiều kỹ năng như cách kiểm soát thức ăn, phản xạ nhai và nuốt.

- Bé có khả năng tự cầm thìa xúc từ rất sớm.

- Mẹ không mất nhiều thời gian vì cách chế biến đồ ăn của bé sẽ giống với thức ăn người lớn, nhưng là ở dạng mềm hơn

- Tạo tiền đề tốt cho bé tự lập trong việc ăn uống ở giai đoạn sau này, dễ dàng “hòa nhập” vào bữa ăn của gia đình.

* Nhược điểm:

- Không quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.

- Ba mẹ phải mất khá nhiều thời gian để dọn dẹp "bãi chiến trường" sau mỗi bữa ăn vì lúc đầu, bé sẽ không ăn và cầm ném thức ăn, bóp nát hay cho lên miệng mút rồi vứt tứ tung, bôi đồ ăn lên khắp mặt mũi, áo quần,… nên khá bừa bộn và bẩn

- Cần đảm bảo ghế ăn dặm luôn được vệ sinh sạch sẽ để đặt thức ăn lên cho bé

- Ba mẹ phải cực kì kiên trì để có thể áp dụng theo phương pháp này.

- Bé có thể bị hóc trong quá trình ăn nên những lúc ấy phải thật bình tĩnh.

- Ba mẹ phải chịu áp lực tâm lý vì không phải gia đình, ông bà nào cũng ủng hộ phương pháp này.

Hi vọng chuỗi bài viết này giúp ba mẹ chọn được hành trình ăn dặm phù hợp cho bé để cả gia đình có những giờ ăn vui tươi, hạnh phúc và nhàn tênh.

 

Thông tin liên hệ: Tổng đài 1900 54 54 66

Hoặc gửi thông tin trao đổi bằng cách inbox (gửi tin nhắn cho Fanpage Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu)

 

Wildcard SSL