ERAS: TĂNG CƯỜNG PHỤC HỒI SAU MỔ LẤY THAI TẠI PHƯƠNG CHÂU

ERAS là chương trình chăm sóc chu phẫu đa phương thức liên quan đến nhiều chuyên khoa. Bệnh Viện Quốc Tế (BVQT) Phương Châu tuân thủ thực hành ERAS trong mổ lấy thai giúp tăng cường phục hồi tốt hơn cả về thể chất và tinh thần cho sản phụ.

1. Chương trình tăng cường hồi phục sau mổ (ERAS) là gì?

ERAS là từ viết tắt của Enhanced Recovery After Surgery có nghĩa là tăng cường hồi phục sau mổ. Đây là một phương pháp thực hành tiêu chuẩn dành cho sản phụ có chỉ định mổ trong tất cả các bệnh viện của Tập Đoàn Y Tế Phương Châu. ERAS bao gồm rất nhiều thành phần và được thực hiện xuyên suốt trước, trong và sau mổ. Trong đó, tư vấn và hướng dẫn cho sản phụ để có thể yên tâm tham gia vào quá trình điều trị và chăm sóc sau mổ là một thành phần vô cùng quan trọng.

2. Vì sao ERAS được các bệnh viện quan tâm và triển khai ngày càng rộng rãi?

ERAS được thiết kế giúp sản phụ tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị trước và sau mổ. Mục tiêu của ERAS giúp sản phụ có trải nghiệm khi được chỉ định mổ tốt hơn và nhanh chóng hồi phục. Mỗi giai đoạn của chương trình ERAS được điều chỉnh nhằm:

+ Giúp sản phụ trải qua hành trình mổ lấy thai ít đau nhất có thể

+ Giúp việc ăn uống và khả năng phục hồi sớm

+ Vận động và đi lại sớm hơn.

+ Tránh các biến chứng trong và sau mổ

ERAS còn hướng đến giúp sản phụ hồi phục tốt hơn về tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phục hồi sớm còn được xem là giảm bớt gánh nặng chăm sóc và điều trị nhờ thời gian xuất viện ngắn, tái nhập viện do biến chứng ít hơn. Từ đó, giảm gánh nặng về chi phí cho sản phụ và cả tài nguyên y tế. Chính vì thế, ERAS được quan tâm và đưa vào chương trình thường quy của nhiều bệnh viện trên thế giới và Việt Nam.

ERAS giúp sản phụ nâng cao sự an toàn và nhanh chóng phục hồi sau mổ

3. Thực hành ERAS trong mổ lấy thai theo tiêu chuẩn JCI tại Phương Châu

Các thành phần của chương trình tăng cường phục hồi sau mổ lấy thai bao gồm:

Trước mổ

1. Hướng dẫn và giáo dục sức khỏe sản phụ

2. Dinh dưỡng tối ưu và nhịn ăn phù hợp

3. Bổ sung Carbohydrate 

4. Kháng sinh dự phòng

5. Vệ sinh da/chuẩn bị âm đạo để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn

Trong khi mổ

1. Quản lý gây tê/gây mê trước và trong phẫu thuật

2. Vệ sinh kháng khuẩn ổ bụng/âm đạo

3. Kỹ thuật mổ lấy thai

4. Quản lý dịch chu phẫu

5. Quy trình phòng ngừa hạ thân nhiệt trong mổ

6. Dự phòng nôn và buồn nôn

7. Chăm sóc trẻ sơ sinh ngay lập tức/kẹp rốn muộn

BS khám và theo dõi sản phụ trước khi gây tê tủy sống

Sau khi mổ

1. Kiểm soát buồn nôn và nôn

2. Thuốc giảm đau

3. Chăm sóc dinh dưỡng chu phẫu/cho ăn sớm 

4. Kiểm soát đường huyết

5. Phòng ngừa thuyên tắc huyết khối

6. Vận động sớm

7. Quản lý dẫn lưu nước tiểu

Nữ hộ sinh đánh giá đau cho sản phụ

ERAS bao gồm nhiều quá trình chuẩn bị kéo dài và phối hợp nhiều chuyên khoa nên cần có một sự đồng bộ khi thực hiện. Tại Phương Châu, các quá trình chuẩn bị được khái quát thành những quy trình cụ thể. Các quy trình được ban hành và thẩm định nghiêm ngặt, một số quy trình được kiểm tra theo tiêu chuẩn chất lượng Joint Commission International (JCI). Vì thế, các sản phụ hoàn toàn yên tâm tuân thủ các hướng dẫn và chuẩn bị phối hợp để ERAS đạt được kết quả tốt nhất.

4. Hướng dẫn thực hiện ERAS cho sản phụ và người nhà

Hướng dẫn sau đây là một phần của chương trình tăng cương hồi phục sau mổ lấy thai và được thực hiện tại tất cả các bệnh viện thuộc hệ thống Phương Châu. Các hướng dẫn này nhằm giúp sản phụ và người nhà có thể chủ động tham gia vào quá trình chăm sóc trước và sau mổ nhằm đem lại kết quả hồi phục tốt nhất. Sản phụ sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn và đồng hành thực hiện khi có chỉ định mổ lấy thai.

NHS tư vấn hướng dẫn chuẩn bị trước mổ cho sản phụ

4.1. Trước khi mổ lấy thai

Các tuần trước khi mổ lấy thai

- Sản phụ cần nghỉ ngơi, thư giãn và giảm stress vì nó sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phục hồi. Sản phụ có thể tập thể dục nhẹ, đi bộ, thiền, yoga hay các môn thể thao nhẹ nhàng khác.

- Chế độ ăn cần duy trì điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc tuân theo chế độ ăn uống cụ thể theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.

- Sản phụ cần lên kế hoạch trước và sắp xếp một người nhà đi cùng khi nhập và xuất viện. Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ ở nhà trước khi nhập viện (bao gồm các vật dụng cần thiết).

- Sản phụ có thể đi bộ, ăn uống và chăm sóc bản thân, có thể cần thêm sự hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn bè. Đặc biệt, các công việc vất vả như giặt giũ, dọn dẹp và đi mua sắm ngay sau khi phẫu thuật cần tránh thực hiện.

- Không được uống các dung dịch có cồn.

7 ngày trước mổ lấy thai

- Sản phụ cần ngưng sử dụng các thuốc sau:

+ Vitamin E.

+ Các chất thảo dược, đặc biệt là thảo dược từ tỏi, bạch quả và dầu cá.

+ Thuốc NSAIDS (như Ibuprofen, Diclofenac, Celecoxib, Ketorolac, Meloxicam…) trừ khi bác sĩ phẫu thuật của bạn có lời khuyên khác.

+ Aspirin trừ khi bác sĩ phẫu thuật của bạn khuyên dùng liều thay thế.

- Sản phụ nên thông báo cho bác sĩ phẫu thuật nếu đang dùng các thuốc như Xarelto, Coumadin, Plavix, Eliquis hoặc bất kỳ thuốc chống đông máu nào khác.

3 ngày trước mổ lấy thai

Sản phụ cần uống đủ nước. Trong 72 giờ trước khi phẫu thuật, hãy đảm bảo bạn uống nước thường xuyên hay các loại nước dinh dưỡng khác.  

01 ngày trước mổ lấy thai

- Sản phụ nên tuân thủ chế độ ăn uống theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật. Nếu không có quy định về chế độ ăn uống, thì ăn và uống như bình thường. Có thể ăn sáng, trưa và buổi tối nên ăn trước 7h. Luôn đảm bảo rằng sản phụ uống đủ nước.

Đêm trước phẫu thuật

Sản phụ tiếp tục uống nước vào buổi tối để giữ nước và chỉ uống nước trong suốt.

Tiếp tục

Dừng

+ Nước

+ Nước ép (trong), nước cam uống thì không có tép cam Ví dụ: Nước ép táo, nước ép việt quất, nước ép nho

+ Nước uống dinh dưỡng như: Pocari Sweet…

+ Trà đen (không sữa/kem)

+ Cà phê đen (không sữa/kem)

+ Tất cả thức ăn lỏng

+ Kẹo cao su

+ Kẹo

+ Sữa chua

+ Kem

+ Thức uống có sữa / sinh tố

+ Sữa, Sữa đậu nành

+ Sữa hạt, chẳng hạn: sữa hạnh nhân…

3.2. Ngày mổ lấy thai

- Sản phụ có thể uống các loại nước (được liệt kê trong bảng trước) tối đa 2 giờ trước khi phẫu thuật.

- Uống bất kỳ loại thuốc nào được phép với 1-2 ngụm nước.

- Nếu sản phụ đang sử dụng thuốc hít hoặc thuốc nhỏ mắt; máy CPAP, mặt nạ, ống mềm, thì bạn hãy mang theo khi nhập viện.

Bắt đầu 4h trước khi phẫu thuật

Uống nước chứa carbohydrate trước khi phẫu thuật mà sản phụ đã được nhân viên y tế cung cấp.

Nữ hộ sinh hướng dẫn sản phụ uống nước chứa carbohydrate trước khi phẫu thuật

2 giờ trước khi phẫu thuật

- Sản phụ ngừng uống hoàn toàn. Tuyệt đối không được uống bất cứ thứ gì, nếu không ca phẫu thuật sẽ bị hủy.

- Nếu sản phụ bị tiểu đường và lượng đường trong máu thấp hoặc bạn bắt đầu cảm thấy các triệu chứng hạ đường huyết thì nên uống một loại nước có đường theo hướng dẫn nhân viên y tế. Chẳng hạn như nước ép táo, nho, nước trái cây hoặc soda thông thường.

- Trì hoãn phẫu thuật nếu sản phụ vẫn còn tình trạng hạ đường huyết.

3.3. Ngày đầu tiên và các ngày sau mổ lấy thai

- Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê hồi sức sẽ kiểm soát giảm đau, buồn nôn và đường huyết sau phẫu thuật.

- Điều dưỡng sẽ hỗ trợ việc vận động sớm và chăm sóc về dinh dưỡng để sản phụ có thể phục hồi nhanh chóng và vết thương sớm lành để quay về cuộc sống thường nhật.

ERAS là chương trình mang đến nhiều lợi ích giúp cho sản phụ sinh mổ hồi phục nhanh, an toàn và đón trọn vẹn hạnh phúc mẹ tròn con vuông. Tại Phương Châu, các sản phụ sau mổ lấy thai có quá trình phục hồi nhanh, giảm đau và tinh thần ổn định. Vì thế, thời gian xuất viện trong vòng từ 4-5 ngày đối với sản phụ có thai kỳ khỏe mạnh.

Nếu sản phụ và người nhà có nhu cầu tìm hiểu thêm về các hướng dẫn của chương trình ERAS có thể liên hệ đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ tư vấn.

Wildcard SSL