DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ, PHỤ HUYNH CHỚ XEM THƯỜNG

Nhóm Bác sĩ Hô hấp – Dị ứng, BVQT Phương Châu

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ dường như lạ mà quen. Đây là một trong những dị ứng thức ăn khá phổ biến mà không phải lúc nào cũng được cha mẹ phát hiện. Tỉ lệ xảy ra dị ứng này cao hơn đối với trẻ không bú sữa mẹ và trẻ có ba mẹ có tiền sử dị ứng. Bệnh thường bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm phế quản, tiêu chảy, nôn trớ nên các cha mẹ cần hết sức chú ý và đưa con đi khám ngay khi thấy các biểu hiện của bệnh.

Dị ứng đạm là gì?

Dị ứng đạm sữa bò (cow’s milk allergy) còn được gọi là dị ứng protein sữa bò xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ có những phản ứng quá nhạy cảm với thành phần đạm có trong sữa bò, gây ra tình trạng dị ứng và ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của trẻ.

Đây là hiện tượng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sữa bò là loại thực phẩm có chứa đạm lạ đầu tiên mà nhóm trẻ này phải hấp thụ với một lượng lớn, nhất là những trẻ đã từng uống sữa bột trước đó.

Diễn tiến của dị ứng đạm sữa bò

Thời điểm 1 tuổi: hơn 55%  trẻ có thể dung nạp hết dị ứng

Thời điểm 3 tuổi: hơn 75% trẻ có thể dung nạp hết dị ứng

Thời điểm 6 tuổi: hơn 90% trẻ có thể dung nạp hết dị ứng

Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị dị ứng với protein có trong sữa bò ?

Phản ứng dị ứng nhanh

Các biểu hiện dị ứng xuất hiện trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi tiếp xúc (uống) đạm sữa bò: ngứa, nổi hồng ban, mày đay, phù mạch cấp tính, phù môi lưỡi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy cấp tính, hắt xì, chảy mũi, khò khè khó thở, phản ứng phản vệ.

Phản ứng dị ứng chậm

Khởi phát chậm sau vài giờ đến vài tuần sau uống sữa với biểu hiện đa dạng trên nhiều cơ quan, các triệu chứng thường không ràng  cha mẹ cần theo dõi kỹ để có hướng điều trị kịp thời

- Viêm da cơ địa

+ Thường xuyên trào ngược nôn trớ

+ Tiêu chảy, táo bón, tiêu máu tái đi tái lại

+ Thiếu máu thiếu sắt

+ Ho khò khè, nghẹt mũi kéo dài

+ Quấy khóc kéo dài

+ Suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm tăng trưởng...

Cách chẩn đoán- phát hiện dị ứng đạm sữa bò?

Để chẩn đoán chính xác bé có mắc dị ứng đạm sữa bò hay không các bác sĩ sẽ khai thác các biểu hiện triệu chứng của bé kết hợp với việc thu thập thông tin tiền sử bệnh lý của bé và gia đình:

- Tiền sử bệnh tật

- Loại sữa bé đang sử dụng,

- Thời điểm xuất hiện các triệu chứng

- Các dạng triệu chứng…

Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm, test chẩn đoán phù hợp với từng tình huống cụ thể:

- Test loại trừ: loại trừ đạm sữa bò ra khỏi chế độ ăn của trẻ 2-4 tuần đánh giá lại

- Test lẫy da

- Xét nghiệm định lượng IgE đặc hiệu với các loại đạm có trong sữa bò

- Test thử thách qua đường miệng (đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh).

Cha mẹ cần làm gì khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

- Nếu trẻ có những triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán xác định

- Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ

- Sử dụng đúng loại sữa dành cho trẻ dị ứng khi được bác sĩ chỉ định:

+ Trẻ bú mẹ hoàn toàn: tiếp tục bú mẹ hoàn toàn và mẹ thực hiện chế độ ăn kiêng đạm sữa bò, các chế phẩm liên quan đến sữa bò thịt bò, cảnh giác về mỹ phẩm, nước hoa, trang sức mẹ sử dụng có thể gây dị ứng cho trẻ.

+ Trẻ bú sữa công thức: sử dụng sữa thủy phân toàn phần, sữa thủy phân acid amin, sữa đậu nành (chỉ sử dụng cho trẻ > 6 tháng tuổi và không bị suy dinh dưỡng), không sử dụng sữa thủy phân bán phần cho trẻ dị ứng đạm sữa bò.

- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Cách phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ?

- Hiện nay cách phòng tránh dị ứng đạm sữa bò tốt nhất là nuôi con bằng sữa mẹ.

- Đối với trường hợp trẻ không thể bú mẹ vì nguyên nhân khách quan thì có thể cân nhắc sử dụng sữa thủy phân bán phân, sữa thủy phân toàn phần, sữa acid amin để giảm nguy cơ dị ứng cho trẻ.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình các thông tin cần thiết.

Wildcard SSL