ĐAU BỤNG Ở TRẺ EM

1. Tổng quan về đau bụng:

- Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơn đau có thể cấp tính hoặc mạn tính, kéo dài hoặc lặp lại tái diễn trong một khoảng thời gian.

- Cơn đau có thể nặng hoặc nhẹ, có thể cảm thấy đau khắp bụng hoặc chỉ đau một phần.

- Cơn đau bụng có thể liên tục hoặc quặn từng cơn tùy nguyên nhân gây đau bụng. Một số trẻ nằm ôm bụng sẽ thấy dễ chịu, trong khi những trẻ khác thấy dễ chịu khi nằm thẳng hoặc bất động. Đau bụng có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

2. Nguyên nhân gây đau bụng là gì?

- Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng, thường gặp nhất là hệ tiêu hóa bị nhiễm virus, do viêm dạ dày hoặc cơn đau quặn bụng Colic ở trẻ nhỏ dưới 3 tháng…

- Đau bụng cấp tính có thể do một hoặc nhiều cơ quan trong bụng gây ra như: hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục.

- Các nguyên nhân đau bụng cấp tính nghiêm trọng

+ Viêm ruột thừa, viêm túi thừa

+  Lồng ruột

+ Xoắn ruột, thủng ruột

+ Viêm tụy cấp…

+ Sỏi mật, sỏi thận…

+ Áp xe các cơ quan trong bụng

+ U nang buồng trứng, thai ngoài tử cung… ở bé gái lớn.

3. Khi nào cho trẻ đến gặp bác sĩ?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, trẻ có thể cần điều trị ngay lập tức. Nếu trẻ bị đau bụng đột ngột hoặc dữ dội hoặc có các triệu chứng sau đây, hãy gọi bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay.

- Bụng của trẻ rất đau, chướng căng.

- Cơn đau bụng vẫn còn hoặc không thuyên giảm sau 1 đến 2 ngày.

- Cơn đau tăng dần, xuất hiện thường xuyên hơn hoặc lan ra vùng bụng khác.

- Trẻ sốt trên 38 độ C, ớn lạnh hoặc đau khi đi tiểu.

- Phân của trẻ có màu đỏ hoặc đen hoặc có máu trong phân.

- Nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu.

- Trẻ nôn ra chất nôn có màu đen, đỏ hoặc vàng.

- Trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống bình thường.

- Trẻ không khỏe, ít chơi hơn so với bình thường.

- Có dấu hiệu mất nước: Khô miệng, nước tiểu đậm, ít hoặc không có nước mắt khi khóc.

4. Các xét nghiệm cần làm:

Khi đến gặp bác sĩ, trẻ sẽ được thăm khám và tùy nguyên nhân hướng đến đau bụng mà bác sĩ sẽ cho trẻ làm một trong các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm máu.

- Xét nghiệm nước tiểu.

- Chụp X-quang bụng đứng.

- Siêu âm bụng

- Chụp CT-scan bụng

5. Điều trị đau bụng như thế nào?

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra đau bụng của trẻ, có thể

- Truyền dịch

- Thuốc giảm đau

- Kháng sinh điều trị nhiễm trùng

- Phẫu thuật

6. Chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?

- Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động mạnh.

- Cho trẻ uống nhiều nước nếu có nôn ói hoặc tiêu chảy, bắt đầu với số lượng nhỏ và tăng dần khi trẻ cảm thấy tốt hơn.

- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhạt khi trẻ muốn ăn. Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh mì, bánh quy giúp làm dịu dạ dày hoặc các thực phẩm khác như mì, cơm, súp, rau mềm, trái cây hoặc thịt nạc đều có thể dùng. Tránh các thực phẩm hoặc đồ uống nhiều đường hoặc thức ăn khác làm cho cơn đau nặng hơn.

- Nếu trẻ có tình trạng táo bón, phải đảm bảo trẻ được uống đủ nước, đủ chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.

- Thảo luận với bác sĩ trước khi cho trẻ uống bất kì loại thuốc hoặc chất bổ sung không kê đơn.

________

Liên hệ đặt lịch khám và điều trị:

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

Địa chỉ: số 300, Nguyễn Văn Cừ nối dài, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Tổng đài BVQT Phương Châu: 1900 545466

Đặt lịch hẹn khám các chuyên khoa tại Phương Châu qua số 0907 939 346 hoặc link: https://bit.ly/PCDatlichkham

 

Wildcard SSL