Đa ối trong thai kỳ và cách phòng tránh 

BS. Liêu Tấn Hưng, Khoa Sản Phụ, Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu Sóc Trăng

Đa ối là tình trạng lượng nước ối của bào thai vượt quá mức bình thường, xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Đa ối làm tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Trung bình có khoảng 1-4% mẹ bầu gặp tình trạng này.

Hãy cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu các dấu hiệu đa ối, cách phòng tránh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong thai kỳ nhé.

1. NƯỚC ỐI VÀ VAI TRÒ BẢO VỆ THAI NHI

Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi sau vài tuần đầu của thai kỳ.

Trong phần lớn thời kỳ mang thai, nước ối có nguồn gốc gần như hoàn toàn từ thai nhi (nước tiểu thai nhi, dịch thẩm thấu) nước ối vào và ra khỏi phổi và dạ dày của em bé theo một chu kỳ tái tạo liên tục và khép kín.

Sau khi chất lỏng vào và qua đường tiêu hóa, nó được thận bài tiết ra ngoài để rồi lại tiếp tục tái chế và lặp lại chu kỳ, giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở bụng mẹ, có tính chất kháng khuẩn do đó bảo vệ thai nhi tránh khỏi nhiễm trùng cũng như giúp phổi phát triển.

2. HIỆN TƯỢNG ĐA ỐI

Nguồn ảnh: medindia.net/patients/patientinfo/polyhydramnios

Đa ối (Polyhydramnios) là hiện tượng dư thừa nước ối.

Nước ối sẽ dần dần tăng lên cho đến khi có khoảng 1 lít ở tuần thứ 37. Sau đó, lượng nước ối thường giảm xuống còn khoảng 0.5 lít trong tuần thứ 40 của sản phụ.

Thai nhi thường xuyên nuốt nước ối, sau đó đi tiểu ra. Đây chính là cách cơ thể kiểm soát lượng nước ối xung quanh thai nhi.

Một khi sự cân bằng này bị xáo trộn, thể tích nước ối có thể sẽ tăng nhanh khiến thai phụ thấy nặng nề và khó chịu.

Khi đó, đa ối thường được chẩn đoán khi lượng ối lên đến 2 lít hoặc hơn. Trong trường hợp nặng, có thể có nhiều đến 3 lít gấp ba lần lượng dịch bình thường.

3. CHẨN ĐOÁN ĐA ỐI

Để chẩn đoán đa ối, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và lấy kết quả ước lượng gián tiếp về thể tích nước ối.

Thai phụ được chẩn đoán đa ối khi chỉ số nước ối (A.F.I: amniotic fluid index) qua siêu âm quá 25 cm hoặc Khoang ối lớn nhất quá 8cm.

4. NGUYÊN NHÂN GÂY ĐA ỐI

Trên thực tế, khoảng 2/3 trường hợp đa ối không tìm ra nguyên nhân.

Các nguyên nhân gây đa ối ở mẹ có thể do:

Người mẹ mắc bệnh đái tháo đường: Tình trạng đa ối thường được phát hiện ở thai phụ mắc chứng đái tháo đường, nhất là trong quý 3 của thai kỳ, lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt, bé có thể sinh ra nhiều nước tiểu hơn.

Người mẹ mang song thai hoặc đa thai: Tình trạng đa ối có thể xảy ra do sự trao đổi chất giữa hai bào thai không được cân bằng (một bào thai có ít nước ối trong khi bào thai kia có nhiều nước ối hơn trong Hội chứng truyền máu song thai).

Khác thường ở bào thai: Bé sẽ ngừng quá trình uống nước ối - đi tiểu, dẫn tới hiện tượng thừa nước ối. Tình trạng này gặp khi dị tật ở bào thai như hở hàm ếch, hẹp môn vị...

Các yếu tố khác có thể gặp làm gia tăng tình trạng đa ối là: Thiếu máu ở bào thai; nhiễm trùng bào thai, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé...

5. ĐA ỐI ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN THAI KỲ?

Đa ối xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng nước ối càng cao thì nguy cơ biến chứng càng tăng. Dưới đây là một số rủi ro mà các mẹ bầu có thể gặp phải khi mắc chứng đa ối:

- Khi lượng nước ối trong tử cung quá cao, thai phụ sẽ bị nguy cơ vỡ ối sớm

- Sinh ngôi mông 

- Nhau bong non do tử cung căng quá mức

- Sa dây rốn

- Tăng nguy cơ băng huyết sau sinh

- Sinh non

- Thai chết lưu, đây là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Trên thực tế, thường không có biến chứng trong phần lớn các trường hợp đa ối. Tất nhiên những rủi ro này còn thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra đa ối.

6. MẸ BẦU CÓ DẤU HIỆU ĐA ỐI NÊN LÀM GÌ?

Mẹ bầu có dấu hiệu đa ối nên tuân thủ các nguyên tắc dưới đây để có một thai kỳ an toàn:

- Khám thai theo đúng lịch hẹn bác sĩ.

- Tuân thủ lời khuyên bác sĩ

- Tầm soát tìm nguyên nhân đa ối

- Nhập viện khi có các biến chứng đa ối (đa ối cấp,…) có thể phải phẫu thuật, chọc ối để rút bớt nước ối.

7. CÁCH PHÒNG TRÁNH NGUY CƠ ĐA ỐI TRONG THAI KỲ

Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện đa ối trong thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý các thông tin dưới đây:

- Lưu ý chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ: Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.

- Không nên quá lo lắng vì đa ối không phải là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng

- Chế độ nghỉ ngơi: dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn cho bản thân, cân nhắc việc bắt đầu nghỉ thai sản sớm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

- Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện.

- Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Wildcard SSL