TÔI CÓ MỘT ĐỨA CHÁU CỰC KỲ THÍCH “ĂN RONG”…

Chiều chiều, mẹ tôi đẩy bé dạo vòng quanh công viên rồi bắt đầu:
“Con mà không ăn là cô/chú này ăn hết đó”
“Cô/chú la đó, con ăn đi rồi cô/chú không la nữa”
, xong quay qua thì thầm nhờ sự hợp tác diễn xuất của những “cô/chú bất đắc dĩ”.

Dọa dẫm một lát thì có vẻ cháu tôi không còn sợ nữa, bà ngoại tiếp tục tung chiêu “điệu hổ ly sơn” – “A đằng kia có con mèo kìa con”, ngay khi bé vừa quay sang nhìn thì bà nhanh tay đút một muỗng cháo cho bé.

(Ảnh mình họa)

Có ngày thì 1 tiếng, có ngày thì gần 2 tiếng, dù rằng vậy, thấy cháu mình ăn nhiều, không quấy khóc nên bà cũng ráng chiều theo – Và từ đó đến nay đã một năm, cháu tôi đều phải đi ra ngoài thì mới chịu ăn ngoan.

Cho đến tuần trước, mẹ tôi bận việc về quê 3 ngày, anh chị tôi mới được dịp tận tay chăm con ăn và điều gì đến sẽ đến…

Hất đổ chén cháo chị tôi đang cầm trên tay, nó quấy khóc rồi nằm vạ xuống sàn nhà, khóc tím mặt mũi, thở dốc từng cơn,…”vật vã” hết mức có thể để đòi được vừa đi công viên vừa ăn. Nhưng dù có bày đủ trò, chị tôi vẫn lạnh lùng không quan tâm.

Thấy khó hiểu và cũng xót cho cháu nên tôi đến hỏi chị, chị mới giải thích: “Em nghĩ xem, mang tô cháo nóng hổi mới nấu chạy theo đút bé tới 1 tiếng đồng hồ thì còn gì là ngon nữa. Chưa kể, bụi đường, vi khuẩn cũng được dịp bám vào đồ ăn để vào cơ thể con. Không sớm thì muộn, bé cũng bị bệnh thôi”

Nửa tin nửa ngờ, tôi lên mạng tìm hiểu mới biết được “ăn rong” còn ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Do “ăn rong” là ta đang nhờ những sự vật, sự việc bên ngoài tác động làm bé mất tập trung hoặc không tự nguyện ăn. Khi đó, hệ tiêu hóa và các cơ quan có liên quan sẽ bị ép buộc làm việc, dẫn đến hiện tượng không hấp thu được hết chất dinh dưỡng, cũng không tiêu hóa được hết thực phẩm, cuối cùng làm hại cho hệ tiêu hóa.

CÁCH TRỊ THÓI QUEN “ĂN RONG” CỦA BÉ

Sau khi thống nhất cách thực hiện với cả nhà, chị tôi bắt đầu tạo lập cho bé thói quen ngồi trên bàn ăn, những ngày đầu thực sự khó khăn vì bé cứ khóc cứ hất đổ hết mọi thứ. Cứ nghĩ như vậy mẹ sẽ cho bé đi ra ngoài nhưng không, chị dọn dẹp và không cho con ăn thêm bất cứ món gì.

Cố bướng thêm một buổi nữa và nhận về kết quả “bụng đói meo”, cu cậu có vẻ sợ rồi! Hôm sau ngoan ngoãn ăn hết khẩu phần của mình và được thưởng thêm những món ăn vặt.

Kiên trì trong 3 tuần, cứ mỗi khi bé không chịu ăn thì sẽ đồng nghĩa với nhịn đói, ăn giỏi sẽ được thưởng thêm. Bé đã quên dần thói quen “ăn rong” và hiện giờ đã tăng ký theo đúng chuẩn, không phải đi khám dinh dưỡng định kỳ nữa.
----------------
“Ăn rong” hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi giữa những mẹ bỉm sữa bởi chăm bé ăn không phải là chuyện đơn giản. Theo BS. CKI. Nguyễn Thị Thúy Hồng – Trưởng Khoa Nhi – Sơ Sinh của BVQT Phương Châu: Tuy “ăn rong” có thể sẽ giúp bé ăn nhiều hơn, nhưng thực chất, cơ thể trẻ sẽ không hấp thu tốt các chất dinh dưỡng bên trong thức ăn, lại còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh do để thức ăn của bé tiếp xúc với khói bụi bên ngoài. Đồng thời, khi trẻ đã quen với việc “phải ra ngoài thì mới chịu ăn”, chăm bé sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

 

Nguồn ảnh: Afamily

Wildcard SSL