VIÊM GAN C TRONG THAI KỲ, CẦN BẢO VỆ MẸ & BÉ NHƯ THẾ NÀO!?

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. Đỗ Hồng Khánh, Khoa Khám bệnh Sản-Phụ khoa, BVQT Phương Châu

Viêm gan virus là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tổn thương gan ở mẹ trong thai kỳ. Mắc các loại viêm gan virus trong khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. 

Đặc biệt lưu ý, việc truyền virut từ mẹ sang trẻ sơ sinh là một trong những tác nhân lớn nhất gây nhiễm viêm gan C ở trẻ em.

* CÓ NÊN XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT VIÊM GAN C KHI MANG THAI?

Những ảnh hưởng do virus viêm gan gây ra trên người mẹ và trên thai nhi khác nhau, tùy thuộc vào loại virus gây viêm gan. Viêm gan C (HCV) có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính.

Đáng lo ngại khi, nhiễm viêm gan C có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, sinh non và bé nhẹ cân cao hơn. (Tỷ lệ quan sát được về thai chết trong tử cung là 3,4%, sinh non là 17,9% và trẻ nhẹ cân là 12,5%, cao hơn so với tỷ lệ được báo cáo trong dân số nói chung, lần lượt là 0,5%, 7% và 5%).

Do đó, việc chủ động phòng ngừa và tầm soát các loại bệnh viêm gan C trong thai kỳ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ mang thai và thai nhi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hiện khuyến nghị sàng lọc phổ biến viêm gan C khi mang thai cho tất cả thai phụ, dựa vào xét nghiệm kháng thể kháng HCVđo tải lượng ARN HCV.

* MẸ BẦU MẮC VIÊM GAN C THÌ EM BÉ CÓ BỊ ẢNH HƯỞNG HAY KHÔNG?

Tỷ lệ lây truyền viêm gan C từ mẹ sang con chiếm 5%. Nguy cơ lây truyền xảy ra trong suốt thai kỳ, khi sinh và sau sinh (1/3 đến 1/2 trường hợp lây truyền xảy ra ở tháng cuối thai kỳ và trong quá trình sinh nở).

Ngoài ra, nguy cơ lây truyền gia tăng lên khi xét nghiệm đo tải lượng virus HCV cao hoặc mẹ có đồng nhiễm HIV kèm theo.

* NẾU MẮC VIÊM GAN C TRONG THAI KỲ THÌ SẼ PHẢI ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Thai phụ mắc viêm gan C sẽ được phối hợp quản lý và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa Gan-Mật cùng bác sĩ Sản khoa. Việc xác định sớm tình trạng mẹ dương tính với HCV trong thời kỳ mang thai có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên kết hiệu quả hơn với việc chăm sóc và điều trị trong giai đoạn sau sinh. 

Sự thanh thải HCV tự nhiên có thể xảy ra trong giai đoạn sau sinh. Do đó, thai phụ nên được kiểm tra lại HCV RNA sau khi sinh để đánh giá khả năng đào thải tự nhiên và xem xét điều trị kháng virus trong giai đoạn sau sinh.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nhi-Sơ sinh sẽ tư vấn và đưa ra kế hoạch theo dõi cũng như tầm soát viêm gan C và tiêm vaccine viêm gan B cho bé (Khuyến cáo tiêm vaccine viêm gan B cho bé có mẹ bị viêm gan C).

* MẸ CÓ THỂ CHO CON BÚ NẾU BỊ VIÊM GAN C HAY KHÔNG?

Việc cho bé bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây truyền viêm gan C  ở trẻ, trừ khi có chảy máu và tổn thương đầu vú. Trong trường hợp này, mẹ nên vắt bỏ sữa để duy trì nguồn sữa mẹ liên tục, đồng thời thay thế sữa công thức cho đến khi các vấn đề về đầu vú ở mẹ được giải quyết.

Trường hợp nếu mẹ cần điều trị bằng thuốc kháng virus thì ngưng cho con bú mẹ và thay thế bằng sữa công thức.

* TẦM SOÁT VIÊM GAN C CHO EM BÉ SAU SINH NHƯ THẾ NÀO?

Do kháng thể HCV truyền qua nhau thai nên khi phát hiện kháng thể, không nên vội chẩn đoán nhiễm HCV sơ sinh.

Để xác định nhiễm HCV trên trẻ sau sinh, cần đáp ứng theo quy trình đánh giá sau: HCV ARN dương tính 2 lần >1 tháng tuổi  hoặc kháng thể HCV dương tính >24 tháng tuổi.

Theo CDC khuyến cáo: nên xét nghiệm kháng thể kháng HCV cho trẻ khi >18 tháng tuổi

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

https://www.contemporaryobgyn.net/view/society-for-maternal-fetal-medicine-consult-series-56-hepatitis-c-in-pregnancy-updated-guidelines

Wildcard SSL