CẢM CÚM KHI MANG THAI

BS. Liêu Tấn Hưng

Cảm cúm xuất hiện với đặc trưng thời tiết giao mùa thường gặp ở mọi người và cả phụ nữ khi mang thai. Đặc biệt, khi mang thai, những thay đổi về nội tiết làm cho hệ miễn dịch suy yếu càng khiến chúng ta lo ngại nhiều hơn về ảnh hưởng của bệnh đối với hai mẹ con.

* CẢM CÚM Ở PHỤ NỮ KHI MANG THAI NHƯ THẾ NÀO?

Cảm cúm là bệnh do nhiễm virus cấp tính đường hô hấp gây ra.

Thời gian mắc bệnh trung bình ở phụ nữ mang thai có thể lâu hơn người bình thường (từ 7 đến 10 ngày). Hầu hết mọi người sẽ tự bình phục hoàn toàn. Đối với người có hệ miễn dịch kém thì bệnh có thể gây chuyển biến nghiêm trọng do biến chứng gây ra.

Tiến triển nặng của cảm cúm ở thai phụ có thể dẫn đến viêm phổi, thường đáng lo hơn người thường do nhu cầu oxy ở họ lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi.

Tuy vậy, các triệu chứng khác như: sốt, ho khi bị cúm ở thai phụ không nặng hơn những người bình thường.

* MỘT SỐ DẤU HIỆU ĐỂ NHẬN BIẾT CẢM CÚM Ở MẸ BẦU NHƯ:

- Ho khan

- Sốt khi mang thai (từ từ rồi đến sốt cao)

- Viêm họng

- Cảm thấy ớn lạnh

- Đau cơ 

- Đau đầu

- Nghẹt mũi, chảy nước mũi

- Tình trạng mệt mỏi kéo dài

* CẢM CÚM CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHI KHÔNG?

Người mẹ khi mang thai sẽ có những lo lắng về ảnh hưởng lên thai nhi:

- Nguy cơ bị dị tật thai nhi (hở hàm ếch, tim bẩm sinh, đại tràng co thắt, hở đốt sống, một số khiếm khuyết trên cơ thể), nhất là trường hợp mắc cảm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

- Nguy cơ ảnh hưởng não bộ thai nhi (dưới 05 tháng tuổi). Nguyên nhân của các bất thường này là các kháng thể cúm của mẹ có khả năng lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Kết hợp với sự gia tăng thân nhiệt của mẹ khi bị bệnh (nhiệt độ tăng kéo dài ở mức cao từ 39 độ C thì phải thận trọng) là những yếu tố tác động xấu đến não bộ của thai nhi, các thuốc trị bệnh cúm cũng tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương của bào thai.

- Sốt cao kết hợp độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sẩy thai, lưu thai, sinh non.

* CÙNG BÁC SĨ CHUYÊN KHOA TÌM HIỂU CÁCH PHÒNG NGỪA CẢM CÚM: 

- Hiện chưa có thuốc chủng ngừa cho chứng bệnh cảm cúm thông thường. Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm ngừa vacxin cúm. Phụ nữ mang thai nên tiêm phòng cúm để bảo vệ cho chính mình và con yêu.

- Nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc nơi đông người bởi các virus gây cảm cúm có thể lây lan qua không khí hoặc khi tiếp xúc, nói chuyện.

- Nên rửa tay sạch sẽ bởi cảm cúm có thể lây lan bằng tay khi sử dụng chung đồ dùng với người bị bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần tuân thủ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước ấm hoặc sử dụng chất rửa tay có chất cồn.

- Tránh đưa tay lên mũi, mắt và miệng.

- Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên lựa chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp để nâng cao thể trạng.

- Đồng thời, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, rau củ để nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, mẹ bầu nhé.

Thời gian qua, Đa Khoa phối hợp với Sản Khoa Phương Châu đã điều trị an toàn, hiệu quả cho nhiều thai phụ mắc các bệnh lý nội, ngoại khoa trong thời gian mang bầu. Qua đó, sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc toàn diện người phụ nữ khỏe mạnh trước, trong và sau khi mang thai tại Phương Châu càng được phát huy tối đa.

Tổng đài 1900 54 54 66 hỗ trợ thông tin dịch vụ các chuyên khoa

Wildcard SSL