CÁCH NHẬN BIẾT VÀ XỬ TRÍ KHI BÉ CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN KHÁC LẠ

[Tổng kết chủ đề 9, lớp “Học Tiền Sản Và Chăm Con Cùng Phương Châu]

Mỗi khi cơ thể bé xuất hiện bất thường, chắc hẳn ba mẹ sẽ “đứng ngồi không yên” vì lo lắng: Không biết con có sao không? Có nguy hiểm gì không? Có cần đưa đến bệnh viện hay bác sĩ không?

Tuy nhiên, sẽ có một số biểu hiện là sinh lý bình thường do cơ thể con vẫn chưa thích nghi kịp với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Vậy nên, theo BS. CKI Nguyễn Thị Thúy Hồng – Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh: “Ba mẹ cần phải phân biệt được khi nào là bình thường, khi nào là bất thường và cách xử trí phù hợp đối với ọc sữa, ngủ vặn mình, màu sắc và tính chất phân bé,…”

Ọc sữa, khi nào là bình thường, khi nào bé cần đi khám?

Do một số nguyên nhân như: bé bú quá no, bú sai cách hoặc đặt bé nằm xuống đột ngột sau bú khiến sữa ọc sữa. Ngoài ra do dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang và cơ thắt còn yếu nên trẻ dễ ọc sữa. Hiện tượng này được xem là sinh lý bình thường ở trẻ và sẽ tự hết khi trẻ lớn dần.

Tuy nhiên, khi tần suất xảy ra thường xuyên hơn, kèm theo biếng bú, sợ bú, chậm tăng cân và khò khè kéo dài. Gia đình cần phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Ọc sữa có thể là bình thường cũng có thể gây nguy hiểm khi trẻ bị sặc sữa vào đường hô hấp. Khi đó ba mẹ cần biết cấp cứ sặc sữa cho trẻ:

Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu sặc sữa như ho, sặc sụa, ngay lập tức cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần hết sức bình tĩnh để cấp cứu theo các bước sau đây, áp dụng cho các tình huống dị vật đường thở bao gồm cả sặc sữa.

Bước 1: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế (gọi điện thoại, bật chế độ loa ngoài và làm theo dướng dẫn). Người cấp cứu có thể ngồi hoặc quì tùy theo điều kiện.

Bước 2: Nếu thuận tiện cởi áo của trẻ bộc lộ ngực

Bước 3: Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng. Tránh gây áp lực lên phần mềm vùng hầu họng

Bước 4: Sử dụng gót bàn tay VỖ LƯNG 5 LẦN giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới ra trước

Bước 5: Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ.

Bước 6: Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.

Bước 7ẤN NGỰC 5 LẦN ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1s, cố gắng tạo áp lực đủ để tống dị vật ra ngoài

Bước 8: Lặp lại chu kì 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến khi lấy được dị vật

Mô phỏng động tác vỗ lưng và ấn ngực khi thực hiện xử trí sặc sữa cho bé

Làm sao để con ngủ được ngon hơn?

Từ xưa, ông bà thường hay để bé trên võng vừa đưa vừa dỗ bé vào giấc ngủ. Nhưng việc này có nguy cơ gây tổn thương não của trẻ. Thay vào đó, gia đình có thế ôm bé vào lòng (để bụng bé áp sát cơ thể ba mẹ/ông bà) hoặc đặt bé da tiếp da với ba mẹ bé sẽ được yên tâm ngủ ngoan. Bác sĩ cũng khuyến khích ba mẹ giữ nhiệt độ phòng thoáng mát, không dùng đèn sưởi âm, không xông hơ vì có thể gây bỏng trẻ.

Ngủ ngày thức đêm và phương pháp thay đổi đồng hồ sinh học cho con

Mẹ có thể tập dần cho con ngay từ trong thai kỳ - mẹ không nên thức quá khuya và ngủ quá nhiều vào ban ngày. Đến khi chào đời, gia đình hãy thử thay đổi đồng hồ sinh học của con thông qua một số việc nho nhỏ sau:

- Buổi sáng: Khi thấy bé ngủ, ba mẹ có thể nói chuyện hoặc ẵm bé ra khỏi giường để con tỉnh giấc và giảm dần thói quen ngủ vào thời gian này.

- Buổi tối: Đến một thời gian nhất định – tắt đèn, im lặng, không chơi hoặc trò chuyện với con,…để bé hiểu rằng: À, giờ này là con phải ngủ rồi nè!

Phân bé như thế nào là bệnh?

Ngoài trừ nên đưa bé đến bệnh viện khi có đàm, máu trong phân của bé, những thay đổi khác về màu sắc hoặc tính chất đều cần phải được theo dõi và so sánh với phân lúc bình thường để ba mẹ thấy rõ sự thay đổi bất thường. Phân có lỏng hơn không, số lần đi tiêu có nhiều hơn so với bình thường thì cũng nên đưa trẻ đi khám bệnh.

Gia đình thường hay lo lắng khi lâu ngày bé vẫn chưa đi phân. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân: Nhu động ruột còn yếu, bé hấp thu tốt sữa mẹ,…nên cách khoảng 4 – 5 ngày con mới có nhu cầu. Miễn sao, bụng bé không chướng, bú tốt, ngủ ngoan và khi đi tiêu phân bé vẫn sệt,…là ba mẹ có thế yên tâm rồi!

Phương pháp nhận biết vàng da sinh lý và bệnh lý

Dưới ánh sáng mặt trời, ba mẹ dùng tay ấn vào da bé giữ từ 3-5 giây  rồi buông ra tại các vùng: trán, ngực, đùi, cẳng chân, bàn chân,… để quan sát xem da có vàng  không. Nếu chỉ vàng từ bụng trở lên là hiện tượng sinh lý, ngược lại là bệnh lý và gia đình nên cần phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và can thiệp sớm khi cần.

Diễn biến bệnh của con thường xảy ra trong “yên lặng” nhưng lại có thể dẫn đến chuyển biến nghiêm trọng chỉ sau 12 - 24 giờ. Do đó, theo dõi chặt chẽ và tìm ra nguyên nhân chính xác mỗi khi con khóc sẽ giúp gia đình chăm sóc bé tốt hơn, hạn chế được những rủi ro đáng tiếc.

-------------------------------------------

✔️ Nhờ vào sự kết hợp giữa online và offline, các ông bố bà mẹ ở khắp nơi có thể thuận tiện theo dõi những kiến thức bổ ích tại lớp “Học tiền sản và chăm con cùng Phương Châu”. Gia đình mình có thể tìm hiểu thông tin chi tiết và thời gian diễn ra lớp học tại http://bit.ly/HocTienSanChamConCungPC

Wildcard SSL