CÁC BỆNH LÝ CÓ THỂ TẦM SOÁT THÔNG QUA KHÁM THAI ĐỊNH KỲ ĐẦY ĐỦ

(Tổng kết sau livestream chủ đề 7, lớp “Học Tiền Sản Và Chăm Còn Cùng Phương Châu)

“Dự phòng – Phát hiện – Điều trị kịp thời những bệnh lý thường gặp trong thai kỳ để có được kết cục tốt nhất cho mẹ và bé. Đó là mục tiêu của quy trình khám thai tại Phương Châu, hiện đang dựa trên tiêu chuẩn Hiệp hội Sản – Phụ khoa Nhật Bản và Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ” – Trích lời BS.CKI Phan Vũ Trường – Phó Giám Đốc Chuyên Môn tại bệnh viện Phương Châu Sa Đéc.

Mỗi bệnh lý thai kỳ đều mang theo những nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé trong suốt quá trình vượt cạn và ảnh hưởng tương lai sau này. Lúc nào cũng vậy, các bác sĩ của Phương Châu đều sẽ căn dặn mẹ bầu: Đừng bỏ sót bất kỳ mốc khám thai nào vì tất cả đều quan trọng như nhau – Giúp sớm phát hiện các bệnh lý thường gặp ở mẹ và bé.

Những bệnh lý thường xuất hiện trong thai kỳ và giai đoạn nên tầm soát.

Có 3 bệnh lý khá phổ biến ở mẹ bầu:

1. Đái tháo đường thai kỳ:

Tầm soát khi thai được 24 – 28 tuần tuổi.

Khi phát hiện bất thường về đường huyết, mẹ nên thay đổi chế độ dinh dưỡng hàng ngày và vận động để kiểm soát tốt bệnh trong suốt thai kỳ.

2. Cao huyết áp dẫn đến tiền sản giật:

Nên thực hiện tầm soát từ sớm, khi thai được 12 tuần.

Suốt những lần khám thai sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đạm niệu trong nước tiểu để theo dõi huyết áp chặt chẽ và có kế hoạch dự phòng trước các biến cố có thể xảy đến.

3. Thiếu máu khi mang thai:

Tầm soát 2 thời điểm - Lần đầu khám thai và tuần 24 - 28 của thai kỳ.

Đây là bệnh lý thường gặp và có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé lúc vượt cạn cũng như sau sinh (Theo WHO năm 2018 có đến 40% tỷ lệ mắc bệnh).

Đối với thai nhi, có khá nhiều vấn đề xảy ra nếu không được tầm soát sẽ có nguy cơ chấm dứt thai kỳ hoặc ảnh hưởng sức khỏe sau sinh của bé. Điển hình như:

1. Thai chậm tăng trưởng trong tử cung:

Dựa vào ngày dự sinh, thai sẽ được kiểm tra và đánh giá mỗi lần khám thai.

Lấy tuần 28 làm cột mốc với cân nặng của bé khoảng 1100gr, mỗi tuần trôi qua sẽ tăng lên khoảng 150gr - 200gr theo chuẩn, tương đương 700gr – 800gr mỗi tháng.

2. Chuyển dạ sinh non:

Đánh giá nguy cơ sinh non từ lần đầu khám thai tại Phương Châu, nếu không có nguy cơ, mẹ sẽ được đo độ dài kênh cổ tử cung vào tuần thai thứ 18 – 24 và tiếp tục theo dõi trong suốt thai kỳ.

Có thể dự phòng sanh non bằng một số biện pháp: Đặt thuốc, khâu vòng cổ tử cung,…và mẹ bầu nên đến bệnh viện sớm ngay khi thấy các dấu hiệu: Ra huyết, đau, chằng bụng,…

3. Vị trí nhau bám bất thường:

Sẽ được chẩn đoán cũng trong tuần 18 – 24 của thai kỳ nhưng sẽ tiếp tục kiểm tra vào tuần 32 và tuần 36 nếu có xảy ra bất thường.

Chẩn đoán được vị trí nhau bám là việc quan trọng cần được thực hiện để giảm thiểu những nguy hiểm trong quá trình vượt cạn do nhau tiền đạo. Ngoài ra, đối với sản phụ từng sinh mổ sẽ có nguy cơ mắc phải Nhau cài răng lược (nhau ăn sâu vào vết mổ cũ) cũng rất nguy hiểm cho mẹ và bé. Do vậy, các mẹ bầu cần khám thai đều đặn để phát hiện sớm những trường hợp này. 

Từ những chia sẻ trong buổi livestream về nguyên nhân và cách phòng ngừa các bệnh lý thường gặp trong thai kỳ ở cả mẹ và bé, bác sĩ của Phương Châu mong rằng: Các mẹ bầu hãy nên quan tâm và coi trọng việc khám thai định kỳ nhiều hơn nữa để có một thai kỳ khỏe mạnh, vượt cạn an toàn, mẹ tròn – con vuông.

-----------------------

Nhờ vào sự kết hợp giữa online và offline, các ông bố bà mẹ ở khắp nơi có thể thuận tiện theo dõi những kiến thức bổ ích tại lớp “Học tiền sản và chăm con cùng Phương Châu”. Gia đình mình có thể tìm hiểu thông tin chi tiết và thời gian diễn ra lớp học tại http://bit.ly/HocTienSanChamConCungPC

Wildcard SSL