Béo phì: Nguyên nhân, phân loại và cách phòng tránh

Béo phì, thừa cân từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến ngoại hình và thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt và tâm lý. Vì thế, béo phì nên được xem là một bệnh lý và cần được khám, chẩn đoán và điều trị một cách khoa học.

Bài viết được cố vấn nội dung bởi BS. CKI. Nguyễn Phương Mai, Khoa Nội tổng quát, BVQT Phương Châu.

phòng tránh bệnh béo phì
Phòng tránh nỗi ám ảnh mang tên béo phì

Béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều calo, cao hơn nhu cầu sử dụng. Lượng calo dư thừa sau đó được lưu trữ dưới dạng chất béo hoặc mô mỡ. Tuy nhiên, thừa cân không đồng nghĩa với béo phì, đặc biệt ở người nhiều cơ bắp hoặc có khung xương to.

Theo thống kê của WHO năm 2022, toàn thế giới có hơn 1 tỷ người béo phì. Trong đó có khoảng 650 triệu người lớn, 340 triệu thanh thiếu niên và 39 triệu trẻ em. Con số này vẫn đang tăng lên. WHO ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 167 triệu người lớn và trẻ em trở nên kém khỏe mạnh hơn vì thừa cân hoặc béo phì.

Phân loại mức độ béo phì theo chỉ số BMI

Hiện nay, béo phì thường được phân loại dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI). BMI được tính bằng cách lấy cận nặng (đơn vị Kg) chia cho bình phương chiều cao (Đơn vị Mét).

+ Thừa cân: Chỉ số BMI từ 25,0 đến 29,9.

+ Béo phì độ 1: Chỉ số BMI từ 30,0 đến 34,9.

+ Béo phị độ 2: Chỉ số BMI từ 35,0 đến 39,9.

+ Béo phì nặng hoặc nghiêm trọng (Béo phì độ 3): Chỉ số BMI từ 40,0 trở lên.

Nguyên nhân gây béo phì

Nguyên nhân gây béo phì có thể kết hợp từ một hoặc nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

+ Ăn nhiều, chế độ ăn uống không hợp lý hoặc ăn quá nhiều chất béo.

+ Thói quen lười vận động, ít tập luyện thể thao.

+ Di truyền.

+ Nội tiết, thường gặp ở người suy giáp hay hội chứng Cushing.

Béo phì gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Thừa cân, béo phì có thể làm gia tăng các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống của nhiều người như:

+ Hội chứng chuyển hóa.

+ Đái tháo đường.

+ Các rối loạn tim mạch.

+ Các rối loạn gan như viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, có thể dẫn đến xơ gan.

+ Bệnh túi mật (sỏi mật).

+ Trào ngược dạ dày thực quản.

+ Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

+ Các rối loạn hệ sinh sản: vô sinh ở cả hai giới, nồng độ testosterone trong huyết thanh thấp ở nam giới, hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ giới.

+ Nhiều bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư đại tràng và ung thư vú).

+ Thoái hóa khớp.

+ Các rối loạn gân và cân.

+ Các rối loạn da.

+ Các vấn đề về kinh tế – xã hội và tâm lý.

+ Trầm cảm, lo lắng, tự ti hình ảnh cơ thể, kỳ thị và phân biệt đối xử.

Điều trị béo phì như thế nào?

+ Chế độ ăn uống hợp lý sao cho lượng calo nạp vào cần ít hơn lượng calo sử dụng. Khi đó, cơ thể sử dụng năng lượng từ mô mỡ giúp giảm cân.

+ Tăng cường luyện tập thể lực: Hoạt động thể chất sẽ giúp tăng cường sử dụng năng lượng dự trữ, từ đó giúp giảm mỡ và duy trì cân nặng. Tập thể dục sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể và giảm lipid máu.

+ Dùng thuốc điều trị béo phì cần theo chỉ định của bác sĩ.

+ Khi bệnh gây ra nhiều biến chứng nặng và điều trị bằng các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị đặc biệt như phẫu thuật.

Các biện pháp phòng ngừa béo phì

Để có một thân hình khỏe mạnh và phóng tránh bệnh, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây:

Chế độ sinh hoạt lành mạnh

+ Ăn với lượng vừa đủ no, không ăn quá nhiều. Khi ăn bạn nên tập trung ăn, không nên vừa ăn vừa giải trí như chơi game, xem tivi...

+ Tâm lý chủ động, không để bản thân bị cuốn vào việc ăn quá nhiều.

+ Nếu bạn đang thừa cân, hãy thể hiện sự tích cực và tạo động lực cho bản thân. Tích cực đón nhận sự ủng hộ giảm cân của bạn bè, gia đình.

+ Thường xuyên cân và ghi chép lại cân nặng để theo dõi sự tiến bộ bản thân.

Xây dựng thực đơn ăn uống thật khoa học

Bạn có thể tự xây dựng hoặc tham khảo ý kiến từ bác sĩ để xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống thật khoa học. Hãy bắt đầu bằng việc thay thế các thức ăn nhanh, đồ hộp, thức uống có đường, rượu bia bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Theo đó, một chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm:

+ Bữa ăn có đầy đủ các nhóm dưỡng chất dinh dưỡng.

+ Nhiều trái cây và rau quả trong ngày.

+ Bừa ăn ít chất béo.

+ Hạn chế thức uống có nhiều đường, rượu bia...

Thường xuyên luyện tập thể lực mỗi ngày

Theo các chuyên gia, nếu bạn hoạt động thể chất 150 phút/tuần sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Còn nếu hoạt động từ 300 đến 360 phút/tuần sẽ giúp giảm và duy trì cân nặng. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại hình vận động sao cho phù hợp với bản thân. Trong đó, đi bộ là loại hình vận động đơn giản nhất. Đi bộ khoảng 30 - 40 phút mỗi ngày có thể giúp bạn cải thiện vấn đề cân nặng. Hoạt động thể chất phù hợp kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả hơn.

Trung tâm nội tiết BVQT Phương Châu là địa chỉ tin cậy tư vấn, khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa và cân nặng như thừa cân, béo phì. Đến với Trung tâm nội tiết BVQT Phương Châu, bạn sẽ được đồng hành bởi đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội tiết, tim mạch cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế còn lắng nghe và cá thể hóa điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân, kết hợp tâm lý liệu pháp và thay đổi lối sống để bệnh nhân an tâm phối hợp điều trị.

Trung tâm Đa khoa Phương Châu
Trung tâm Đa khoa Phương Châu

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 để được hỗ trợ thông tin.

Wildcard SSL