Viêm dạ dày là một trong những căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều người có suy nghĩ rằng bệnh này hầu như chỉ gặp ở người lớn, còn trẻ nhỏ thì không mắc phải. Đó là suy nghĩ chưa đúng và dẫn đến hiểu lầm. Hiện nay viêm loét dạ dày không còn là căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em, thậm chí còn gặp ở trẻ rất nhỏ tuổi nhưng lại dễ bị bỏ qua vì đôi khi phụ huynh lầm tưởng những triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, … mà trẻ gặp phải là do các nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun.
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể làm cho trẻ chậm lớn, ăn uống kém, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết tiêu hóa.

https://lh3.googleusercontent.com/-z9mIpIdx8i4/Vk0-9ZphksI/AAAAAAAAGxk/5rfzTRbtz7Y/s400-Ic42/image001.jpg

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ:

  • Nhiễm HP: Cũng giống như người lớn, nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày ở trẻ là do vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Theo thống kê, tỉ lệ nhiễm HP ở trẻ em tại các nước đang phát triển từ 70% trở lên, còn ở các nước phát triển thì tỉ lệ từ 2 - 10%. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm là 33,4%, trở thành vấn đề rất đáng quan tâm trong cộng đồng.

Một số nguyên nhân khác:

  • Do ăn uống: nhiều bậc phụ khuynh luôn ép con cái của họ ăn thật nhiều để nhanh lớn, nhưng nếu cho trẻ ăn quá no sẽ rất dễ ói, điều đó làm cho dạ dày không thể tiêu hóa kịp, cũng có thể dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ.
  • Stress: trẻ học hành quá tải, lo lắng quá nhiều dẫn đến bị căng thẳng quá mức gây đau dạ dày.
  • Thuốc: Một số thuốc có thể gây tổn thương dạ dày ở trẻ như NSAIDs, corticoid.

Những biểu hiện thường gặp khi trẻ đau dạ dày:

  • Đau bụng: là triệu chứng hay gặp nhất ở trẻ. Tuy nhiên, sự đau thường không giống người lớn. Một số trẻ đau ở thượng vị nhưng một số lại đau ở quanh rốn. Cơn đau có thể không hoặc có liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn hay thường đau vào một số thời điểm trong ngày như gần trưa hoặc gần chiều. Ở trẻ lớn, cơn đau do viêm loét dạ dày dễ nhận biết hơn do biểu hiện đau tương tự người lớn, trẻ đau vùng thượng vị, đau râm ran, âm ỉ, đôi khi là bỏng rát. Mỗi cơn đau có thể kéo dài vài chục phút đến hàng giờ. Mỗi đợt đau có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.
  • Buồn nôn và nôn: biểu hiện này ít gặp ở trẻ lớn nhưng rất thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Nôn thường tái đi tái lại, kèm theo chậm lớn, ăn uống kém, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết tiêu hóa.
  • Thiếu máu: nguyên nhân thường do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài nhiều ngày hoặc xuất huyết ồ ạt do vết loét ăn mòn vào trong niêm mạc và dưới niêm mạc. Điều này làm tổn thương mạch máu dẫn tới thiếu máu cấp tính và bệnh trở nặng. Đây cũng có thể là những lý do đầu tiên khiến trẻ phải nhập viện.
  • Nhìn chung, biểu hiện của viêm dạ dày thường là đau bụng tái đi tái lại, nếu rõ ràng thì đau ở thượng vị (vùng trên rốn, ngay dưới xương ức) nhưng cũng có nhiều trường hợp đau quanh rốn. Trẻ hay bị buồn nôn, nôn, chán ăn, gầy sút, hay ợ chua và có hơi thở hôi. Nếu tình trạng kéo dài có thể đưa đến thiếu máu, xanh xao. Đôi khi trẻ nhập viện vì những biến chứng như nôn ra máu hay phân đen như bã cà phê và rất hôi.

Những vấn đề cần lưu ý?
Khi trẻ có những triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, nên đưa trẻ đến các Bác sĩ Nhi khoa để được thăm khám và tư vấn chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp. Những trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác hoặc nội soi sẽ được các Bác sĩ tư vấn và chỉ định, không nên tự xét nghiệm bừa bãi, nhất là các xét nghiệm về vi trùng HP vì nhiễm HP tự thân nó không phải là chỉ định để điều trị.
Nếu HP không gây triệu chứng gì thì chúng ta có thể “sống hòa bình” với nó, thậm chí một số trường hợp có thể thoái nhiễm (tự mất đi) một cách tự nhiên.

Làm gì khi trẻ bị cơn đau dạ dày?
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bị đau dạ dày, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến khám ở các cơ sở y tế để kịp thời có biện pháp chữa trị. Nếu trẻ bị đau dạ dày chỉ ở mức độ nhẹ cha mẹ có thể tự khắc phục ở nhà bằng một số biện pháp sau:

  • Chườm ấm: Đây có thể được xem là cách nhanh nhất để giảm đau dạ dày cho trẻ. Phụ huynh sử dụng một túi nước ấm đặt vào vùng bụng của trẻ, điều này sẽ giúp trẻ dễ chịu và thoải mái hơn. Việc làm này cũng phần nào giảm tình trạng táo bón ở những trẻ bị táo bón.
  • Massage vùng bụng: massage vùng bụng là một cách hiệu quả để làm giảm các vấn đề về dạ dày ở trẻ em. Nên sử dụng một số loại tinh dầu như dầu ô liu hoặc dầu ấm và massage nhẹ nhàng theo vòng tròn theo chiều kim đồng hồ,
  • Sử dụng nước gừng và mật ong: điều này sẽ giúp giảm bớt chứng đầy hơi, đau bụng, cơn ho hoặc những cơn đau khác trong viêm loét dạ dày. Pha 1/4 muỗng cà phê nước gừng tươi cùng với 1/2 muỗng cà phê mật ong và cho trẻ uống 2 lần/ ngày. Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng đối với trẻ trên 2 tuổi.
  • Cho trẻ uống nhiều nước: Nên cho trẻ uống nhiều nước để cân bằng nồng độ axit trong dạ dày của trẻ. Chú ý cho trẻ uống từ từ, chậm rãi.

Chú ý: Khi trẻ đang bị đau dạ dày không nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn chẳng hạn như: phô mai, sô cô la, các sản phẩm từ sữa, các loại gia vị cay nóng.

https://lh3.googleusercontent.com/-l0ooJ31YRQA/Vk0-9XOFYJI/AAAAAAAAGx0/D_SQpkCi-Pg/s400-Ic42/image003.jpg

Massage vùng bụng là một cách hiệu quả để giảm cơn đau dạ dày cho bé

https://lh3.googleusercontent.com/-CskU4CUGq70/Vk0-9ef_6LI/AAAAAAAAGyM/ZCJRzGpLE9g/s400-Ic42/image005.jpg

Cần phải kiên nhẫn hợp tác với Bác sĩ
Phải hiểu đây là một bệnh mạn tính, kèm với khả năng phải làm xét nghiệm hoặc nội soi nhiều lần, các bậc phụ huynh có con em bị viêm dạ dày cần kiên nhẫn và hợp tác tốt với Bác sĩ để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bé.
Bé cần ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, tránh các thức ăn uống kích thích dạ dày như trà, cà phê, thức uống có cồn. Nếu trẻ đi khám bác sĩ vì bệnh khác (viêm hô hấp trên, dị ứng…) thì nên báo cho Bác sĩ biết về bệnh viêm dạ dày của bé cùng các thuốc đang uống để tránh sử dụng các thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng dạ dày. Nếu bé phải điều trị tiệt trừ HP, bé phải uống nhiều thuốc hơn trong thời gian vài tuần. Nên giúp bé tuân thủ thật tốt giờ giấc uống thuốc, không bỏ sót cữ thuốc vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả tiệt trừ HP. Nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, hạn chế dùng chung chén đũa, tránh những nơi đông đúc chật chội vì những nơi đông đúc chật chội là những điều kiện dễ lây lan HP cũng như bị nhiễm trở lại sau khi đã điều trị tiệt trừ HP thành công.


Cảnh giác với vi trùng Helicobacter pylori
Tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ em chưa được biết rõ, nhưng trong một nghiên cứu ở Canada cho thấy cứ mỗi 2.500 bệnh nhi nhập viện thì có 1 bé bị viêm dạ dày. Nguyên nhân rất da dạng, có thể là do tổn thương tại chỗ do dùng các thuốc kháng viêm, do chấn thương niêm mạc dạ dày, do stress, hoặc trong bệnh cảnh toàn thân như bệnh lý thận, bệnh lý mạch máu…
Tuy nhiên, gần đây với việc tìm ra vi trùng Helicobacter pylori, người ta thấy mối liện quan rõ rệt giữa vi trùng này và các bệnh lý tại dạ dày như viêm, loét, thậm chí là ung thư.
Theo những nghiên cứu rộng khắp trên toàn thế giới, tỷ lệ trẻ bị nhiễm HP ở những nước phát triển là 18-45%, trong khi ở các nước đang phát triển tỷ lệ này lên đến 40-80%, và điều nguy hiểm là ở khu vực này các bé bị nhiễm từ rất sớm (có thể từ trước 3 tháng tuổi và đạt tỷ lệ nhiễm cao nhất vào khoảng 2-6 tuổi). Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu của PGS. Nguyễn Văn Bàng và cộng sự năm 2004, tỷ lệ trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi bị nhiễm HP không triệu chứng là 34%, riêng trong các trại nuôi dưỡng tỷ lệ này lên đến 71,4%.

https://lh3.googleusercontent.com/-dZVk7XP1GGY/Vk0-91sDLXI/AAAAAAAAGyQ/EZAW1WNJnGM/s800-Ic42/image006.jpg

Hiện nay tại BVQT Phương Châu có máy test H.P bằng hơi thở, một phương pháp chính xác, không gây đau nhằm phát hiện và điều trị sớm H.P cho trẻ. Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: BP.CSKH: 0292 2 222 555 – 22 44 77 để được tư vấn cụ thể.

 

BS. Phạm Thanh Huy
Khoa Nhi BVQT Phương Châu

Wildcard SSL