BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

BS Nguyễn Võ Trúc Giang

BS có 8 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị chuyên khoa Nhi, BVQT Phương Châu

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, do một loại virus thuộc giống Orthopoxvirus, thuộc họ Poxviridae gây ra. Chi Orthopoxvirus bao gồm cả virus variola (gây bệnh đậu mùa) và virus đậu mùa bò. Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện đầu tiên năm 1958, trong một đợt bùng phát bệnh giống như thủy đậu trên đàn khỉ nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”.

Năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định trên người, người nhiễm bệnh là một bé trai 9 tháng tuổi tại Cộng hòa dân chủ Congo. Kể từ năm 1970, nhiều trường hợp nhiễm bệnh trên người được báo cáo lần lượt ở các quốc gia Châu Phi, trong đó tập trung nhiều ở khu vực Trung và Tây Phi.

Năm 2003, một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ xảy ra tại Hoa Kỳ, căn bệnh đã vượt ra ngoài biên giới Châu Phi. Sau đó, nhiều trường hợp bệnh được báo cáo từ các khách du lịch đến từ Nigeria. Tháng 5 năm 2022, nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới được phát hiện. Tính đến ngày 7/6/2022, hơn 1.000 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ được xác nhận tại 29 quốc gia ngoài Châu Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa

Bệnh đậu mùa khỉ có biểu hiện bệnh tương tự như bệnh đậu mùa do cùng thuộc virus Orthopoxvirus gây ra. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa dễ lây lan hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn (tỷ lệ tử vong khoảng 30%), trường hợp cuối cùng mắc bệnh đậu mùa vào năm 1977, WHO tuyên bố đã loại trừ hoàn toàn bệnh đậu mùa vào năm 1980 sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu.

Sự lây truyền

Có 2 con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

- Lây từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, vùng da và niêm mạc bị tổn thương của động vật bị nhiễm bệnh, ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh hoặc thịt không nấu chín kĩ có thể là yếu tố nguy cơ bị lây nhiễm. Ổ chứa tự nhiên của virus đậu mùa khỉ chưa được xác định, tuy nhiên có bằng chứng sự lây nhiễm virus ở các loài gặm nhấm (sóc, chuột), các loài khỉ và một số động vật khác.

- Lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp, tổn thương da của người bệnh, đồ vật bị nhiễm virus, có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai hoặc tiếp xúc trong và sau sinh, chưa rõ bệnh có lây qua đường tình dục hay không.

Triệu chứng

- Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 7-14 ngày, đôi khi kéo dài đến 21 ngày, người bệnh không có triệu chứng.

- Giai đoạn phát bệnh: Khởi phát với sốt, đau đầu, đau cơ, nổi hạch, mệt mỏi. Sau khi sốt 1-3 ngày, cơ thể phát ban, phát ban tập trung nhiều ở mặt và tứ chi, đầu tiên ban có dạng dát, sau đó chuyển dần sang dạng sẩn, xuất hiện bóng nước đục, bóng nước vỡ ra gây đóng vẩy khô và bong da.

Biến chứng

Bệnh đậu mùa khỉ thường tự giới hạn, các triệu chứng thường kéo dài từ 2-4 tuần rồi khỏi hẳn. Các trường hợp nặng chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể gây ra các nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm giác mạc dẫn đến mất thị lực. Tỷ lệ tử vong khoảng 3-6%.

Thuốc chữa bệnh

Thuốc chống virus Tecovirimart được EMA (Cơ quan thuốc Châu Âu) cấp phép để điều trị bệnh đậu mùa khỉ năm 2022, dựa trên những dữ liệu nghiên cứu trên người và động vật, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi.

Vaccine phòng bệnh

Tiêm phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả 85% trong ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Hiện tại, vaccine đậu mùa không còn được tiêm trong cộng đồng do bệnh đậu mùa đã được loại trừ hoàn toàn vào năm 1980. Theo ông Tedros Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) “Không cần thiết phải tiêm chủng hàng loạt. Hiện tại, chúng tôi ghi nhận là một đợt bùng phát trong một cộng đồng cụ thể có liên quan đến du lịch và tiếp xúc cơ thể.”

Phòng ngừa

- Giảm nguy cơ lây từ người sang người: Tuân thủ các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm như vệ sinh tay, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

- Giảm nguy cơ lây từ động vật sang người: Tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, đặc biệt động vật bị bệnh hoặc chết, thịt động vật được nấu chín kĩ trước khi ăn.

Nguồn tham khảo: https://www.cdc.gov

                                https://www.who.int

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết

 

Wildcard SSL