Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ. Đây là một thể đặc biệt của bệnh lý đái tháo đường. Bệnh này có xu hướng ngày càng gia tăng tại nhiều nước trong đó có Việt Nam. Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng cho mẹ và bé. Do đó việc chẩn đoán và điều trị kịp thời đái tháo đường thai kỳ là hết sức quan trọng.

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS. CKII. Hứa Thành Nhân, Trung tâm Nội tiết BVQT Phương Châu.

Nhãn

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng ĐTĐ trước đó. Bệnh thường được phát hiện ở tuần thai thứ 24 - 28. Sản phụ mắc ĐTĐTK không đồng nghĩa trước đó đã mắc hoặc sẽ mắc bệnh ĐTĐ sau sinh. Một số ít trường hợp sản phụ mắc ĐTĐ thai kỳ sẽ tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ

Nguyên nhân là trong thời kỳ mang thai, cơ thể của mẹ tiết ra một vài hormone khiến cơ thể sản xuất ít hoặc sử dụng insulin không hiệu quả (tăng đề kháng với insulin). Insulin có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu. Khi cơ thể thai phụ không thể sản xuất đủ lượng insulin, lượng đường trong máu tăng cao gây nên bệnh ĐTĐ thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào đến mẹ và bé?

Ảnh hưởng đối với mẹ

Thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ bị các tai biến sản khoa cao hơn thai phụ bình thường. Các biến chứng sản khoa thường gặp là:

Tăng huyết áp (THA)

Thai phụ ĐTĐTK dễ bị THA hơn các thai phụ bình thường.  THA trong thời gian mang thai có thể gây các biến chứng như:

+ Tiền sản giật, sản giật: nguy cơ cao hơn thai phụ bình thường. Tiền sản giật bao gồm các triệu chứng: THA nặng, tăng protein niệu, phù.

+ Đột quỵ.

+ Thai chậm phát triển trong tử cung.

+ Sinh non.

+ Chết chu sinh.

Vì vậy, thai phụ cần đo huyết áp, theo dõi cân nặng, protein niệu nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Sẩy thai và thai lưu

Theo nhiều nghiên cứu, tần suất thai chết lưu ở phụ nữ ĐTĐTK cao hơn so với bình thường. Do đó, thai phụ sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân cần phải được kiểm tra đường huyết thường xuyên. Phần lớn các trường hợp thai chết lưu ở thai phụ mắc ĐTĐTK xảy ra đột ngột. Đặc biệt thường xảy ra vào những tuần cuối thai kỳ. Nguyên nhân do đường huyết của mẹ không được kiểm soát tốt, hoặc khi thai nhi phát triển to so với tuổi thai hay thai đa ối.

Nhiễm trùng tiết niệu

Thai phụ mắc ĐTĐTK nếu kiểm soát đường huyết không tốt sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Nhiễm trùng tiết niệu có thể không có triệu chứng lâm sàng. Nếu không được điều trị sẽ dễ dàng dẫn tới viêm đài bể thận cấp

Đa ối

Tỷ lệ đa ối ở các thai phụ mắc ĐTĐTK cao hơn thai phụ bình thường. Cơ chế đa ối do đái tháo đường còn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các tác giả đều thừa nhận tăng đường huyết ở mẹ gây ảnh hưởng tới tạo nước tiểu của thai nhi. Nguyên nhân có thể do kích thích mãn tính kết hợp với thay đổi chuyển hóa tại thận.

Sinh non

Thai phụ bị ĐTĐTK làm tăng nguy cơ sinh non so với thai phụ bình thường. Các nguyên nhân dẫn đến sinh non là do:

+Kiểm soát đường huyết kém.

+ Nhiễm trùng tiết niệu.

+ Đa ối.

+ Tiền sản giật nặng.

+ Tăng huyết áp.

Ảnh hưởng đối với thai nhi

Thai to

Thai to là biến chứng thường gặp đối với thai phụ ĐTĐTK, đặc biệt khi kiểm soát đường huyết không tốt. Thai to làm tăng nguy cơ phải sinh mổ. Vì thế, thai phụ cần điều trị tích cực để ổn định đường huyết trong suốt quá trình mang thai.

Hạ đường huyết sơ sinh

Kiểm soát tốt đường huyết cho mẹ có thể giảm tỷ lệ hạ đường huyết ở sinh ở trẻ. Chìa khóa điều trị hạ đường huyết sơ sinh chính là dự phòng. Ngay sau sinh, cho bé bú càng sớm càng tốt ngay khi có thể. Điều này cần phải duy trì tốt trong 3 ngày đầu sau sinh cùng với theo dõi chặt chẽ đường huyết ở người mẹ.

Hạ can-xi máu

Hạ can-xi máu thường xảy ra vào 24 - 72 giờ sau sinh. Nồng độ can-xi máu thường thấp nhất vào cuối ngày đầu tiên (24-26 giờ). Hạ can-xi máu nhìn chung không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, một số trẻ có thể có triệu chứng thần kinh cơ như run, tăng kích thích, tăng trương lực cơ, hoặc co giật..

Vàng da bệnh lý

Tỷ lệ vàng da bệnh lý ở trẻ có mẹ bị ĐTĐTK khoảng gấp đôi các trẻ có mẹ bình thường. Các trẻ bị vàng da bệnh lý cần được điều trị chiếu tia hồng ngoại. Trường hợp cần phải điều trị bằng thay máu thường hiếm gặp.

Đa hồng cầu

Đa hồng cầu cũng là một biến chứng có thể gặp ở trẻ sơ sinh có mẹ bị ĐTĐTK. Nguyên nhân đa hồng cầu là do thai thiếu o-xy trong tử cung làm tăng sản xuất erythropoietin. Triệu chứng lâm sàng đa hồng cầu ở trẻ sơ sinh có thể đơn độc hoặc phối hợp nhiều triệu chứng như:

+ Tím đỏ.

+ Thở nhanh.

+ Nhịp tim nhanh.

+ Tim to.

+ Trẻ kích thích.

Tuy nhiên, nhiều trẻ không có triệu chứng lâm sàng.

Phương pháp thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Để chẩn đoán chính xác ĐTĐTK, bác sĩ sẽ sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose ở tất cả thai phụ vào tuần thứ 24 - 28, kể cả không có tiền sử mắc ĐTĐ trước đó. Thai phụ được hướng dẫn uống uống 75g Glucose (thực hiện buổi sáng lúc bụng đói sau khi ngủ dậy ít nhất 8 giờ ). Sau đó, bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm ở ba thời điểm. Tương ứng với mỗi thời điểm có chỉ số ngưỡng đường huyết quy định. Khi có từ 1 giá trị vượt ngưỡng quy định thì thai phụ được chẩn đoán mắc ĐTĐTK.

Các thông số

Kết quả

Đường huyết tương lúc đói

≥ 5.1 mmol/L

Đường huyết 1h sau uống 75g glucose

≥ 10 mmol/L

Đường huyết tương sau 2h uống 75g glucose

≥ 8.5 mmol/L

Khi mắc ĐTĐTK, thai phụ không nên lo lắng vì nếu được kiểm soát và điều trị tốt thì các con sinh ra sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Mẹ bầu nên tuân thủ điều trị và hướng dẫn theo dõi từ bác sĩ. Đặc biệt là tuân thủ chế độ ăn uống, thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng hợp lý.

Điều trị đái tháo đường thai kỳ tại Trung tâm Nội tiết BVQT Phương Châu

Trung tâm Nội tiết BVQT Phương Châu là địa chỉ tin cậy tiếp nhận khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến nội tiết như đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ, bệnh tuyến giáp, bệnh tim mạch và các bệnh rối loạn chuyển hóa, hormone khác. Trung tâm đã phối hợp các chuyên khoa Sản - Nhi theo dõi và điều trị mẹ tròn con vuông cho nhiều trường hợp mắc ĐTĐTK diễn tiến nặng.

Đến với Trung tâm nội tiết BVQT Phương châu, bạn sẽ được đồng hành bởi đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội tiết, tim mạch cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế còn lắng nghe và cá thể hóa điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân, kết hợp tâm lý liệu pháp và thay đổi lối sống để bệnh nhân an tâm phối hợp điều trị.

trung tâm nội tiết BVQT Phương Châu điều trị đái tháo đường thai kỳ
Trung tâm Nội tiết BVQT Phương Châu tiếp nhận và điều trị đái tháo đường thai kỳ

Quý khách hàng có thể đặt lịch khám bệnh TẠI ĐÂY hoặc gọi đến tổng đài 1900 545466 (nhấn phím 1) để được hỗ trợ thông tin.

Wildcard SSL