AN TOÀN NGƯỜI BỆNH THEO TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ JCI

Khi vào một cơ sở y tế để khám chữa bệnh, cái vốn quý giá nhất của người bệnh là sức khỏe, được ủy thác cho đội ngũ nhân viên y tế, đổi lại người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn, có chất lượng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của các cơ sở y tế, các nhà quản lý và cũng là sứ mệnh của thầy thuốc và nhân viên y tế.

1. JCI – Giải pháp tối ưu cho bài toán an toàn người bệnh

Tại Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu hệ thống nào về sai sót hay sự cố y khoa. Tuy nhiên, rủi ro là hoàn toàn có thể xảy ra trong môi trường đề cao sự an toàn và chất lượng như môi trường y tế.

Khi yêu cầu phải đảm bảo chất lượng trong hệ thống y tế ngày càng cao và nghiêm ngặt hơn, các bệnh viện bắt buộc phải lựa chọn một hướng đi cho bài toán an toàn người bệnh.

An toàn người bệnh cần phải chặt chẽ trong môi trường y tế, đặc biệt là Nhi Khoa

BVQT Phương Châu đã thực hành rất tốt các tiêu chí an toàn theo bộ 83 tiêu chí của Bộ y tế. Không dừng lại ở đó, BVQT hướng đến những chuẩn mực mang tầm quốc tế. Với định hướng đó, năm 2018 BVQT Phương Châu đã áp dụng bộ tiêu chuẩn JCI (Joint Commission International) cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện.

Tiêu chuẩn quốc tế JCI  là điểm sáng và được xem là tiêu chuẩn vàng trong bức tranh những hệ thống tiêu chuẩn chất lượng trên toàn cầu toàn cầu.

Các tiêu chuẩn JCI hướng đến người bệnh là trung tâm cho mọi hoạt động. Vì thế, khi bệnh viện đạt tiêu chuẩn JCI thì vấn đề an toàn người bệnh sẽ luôn được đảm bảo.

Các tiêu chí an toàn người bệnh nằm trong chương IPSG (International Patient Safety Goals) của bộ tiêu chuẩn JCI.

6 tiêu chí an toàn người bệnh

2. Thực hành các tiêu chí an toàn người bệnh theo tiêu chuẩn JCI tại BVQT Phương Châu

Thực hành các mục tiêu quốc tế về an toàn người bệnh, BVQT Phương Châu đã đưa các mục tiêu này vào thực hành hàng ngày.

Nhận diện đúng người bệnh

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên sai sót y khoa chính là vấn đề sai sót hay nhầm lẫn trong nhận diện người bệnh. Nhận diện đúng người bệnh chỉ mất một phút nhưng có thể cứu sống cả một mạng người.

Nhận diện đúng người bệnh chỉ mất một phút nhưng có thể cứu sống cả một mạng người

Để để đảm bảo không xảy ra sai sót liên quan đến nhận diện người bệnh, BVQT Phương Châu đã thực hiện:

- Vòng đeo tay nhận diện cho khách hàng nội trú

- Thực hành nhận diện người bệnh ở tất cả các điểm chạm trong quá trình bệnh khám và điều trị.

- Người bệnh và nhân viên y tế cùng tham gia vào quá trình nhận diện mẫu bệnh phẩm, mẫu máu, vắc xin,…

- Các yếu tố liên quan đến người bệnh như tiền sử dị ứng thuốc, nguy cơ té ngã,… cũng được nhận diện ngay từ đầu

Nhận diện người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc, vòng đeo có dấu chấm đỏ

Nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin

Trong môi trường bệnh viện, y lệnh miệng không được khuyến khích. Tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp thì y lệnh miệng là điều không tránh khỏi. Y lệnh miệng có thể xảy ra trong các trường hợp như khi bàn giao/tiếp nhận người bệnh khi cấp cứu, phẫu thuật/thủ thuật.

Nếu quá trình trao đổi thông tin hiệu quả và không xảy ra lỗi, người bệnh sẽ được đảm bảo chăm sóc, điều trị an toàn và liên tục.

Một số quy trình/chính sách được triển khai để đảm bảo hiệu quả trao đổi thông tin tại Phương Châu:

- Quy trình ra và nhận y lệnh miệng tại chỗ hoặc qua thiết bị điện tử nhằm hạn chế tối đa các lỗi do hiểu sai chỉ định thuốc hoặc thông báo kết quả cận lâm sàng trong các tình huống khẩn cấp

- Chính sách bàn giao người bệnh nhằm đảm bảo người bệnh được chăm sóc liên tục và an toàn khi người bệnh đang có diễn tiến nặng, chuyển khoa/thay ca, bàn giao trước và sau khi thực hiện phẫu thuật/thủ thuật.

Có hai công cụ hỗ trợ đảm bảo quá trình bàn giao người bệnh được hiệu quả đang áp dụng tại Phương Châu: iSBAR(Q) và I-PASS - (the) - BATON

Công cụ iSBAR(Q) báo cáo trong trường hợp người bệnh đang diễn tiến nặng và bàn giao người bệnh khi thay ca/chuyển khoa
Công cụ I-PASS - (the) – BATON báo cáo khi bàn giao ca bệnh nặng

Cải thiện an toàn của những loại thuốc có nguy cơ cao

Thuốc nguy cơ cao là thuốc có khả năng gây ra tổn hại đáng kể cho bệnh nhân nếu gặp sai sót trong quá trình sử dụng. Mặc dù tần suất sai sót liên quan đến các thuốc này không thường xuyên hơn những thuốc khác nhưng hậu quả của việc xảy ra sai sót có thể rất nghiêm trọng.

Các thuốc có nguy cơ cao gồm: các thuốc gây nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình sử dụng, các thuốc có tên nghe giống nhau, nhìn giống nhau,…

Để kiểm soát các loại thuốc này, BVQT Phương Châu đã xây dựng quy trình kiểm soát các loại thuốc bắt đầu từ khâu lập danh mục cho đến nhập/xuất, bảo quản và cấp phát. Trong đó, một  công tác quan trọng đó là phân loại và dán nhãn phân biệt các loại các loại thuốc nguy cơ cao.

Nguy cơ liên quan đến thuốc còn phải kể đến quản lý các thuốc được giao đến tay người bệnh và cả những loại thuốc họ đang sử dụng trước khi nhập viện. Vì thế, việc khai thác tiền sử sử dụng thuốc khi khám bệnh được thực hiện chặt chẽ nhằm tránh tương tác thuốc xảy ra trong quá trình sử dụng.

Ở điểm cuối của quá trình cấp phát thuốc, người bệnh sẽ được các dược sĩ tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc. Liều dùng và cách dùng thuốc được dãn trên mỗi loại thuốc trước khi bàn giao đến tay người bệnh.

Dược sĩ tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc

Đảm bảo an toàn trong phẫu thuật

WHO đã thống kê hàng năm có hàng triệu người được điều trị bằng phẫu thuật. Các sự cố liên quan đến phẫu thuật/thủ thuật có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến cả thể chất và tinh thần cho người bệnh. Đôi khi nó còn gây ra gánh nặng về chăm sóc lẫn tài chính cho cả người bệnh và bệnh viện.

Tại Phương Châu, sự an toàn được thực hiện cả trước trong và sau khi thực hiện phẫu thuật/thủ thuật. Bằng công cụ bảng kiểm an toàn phẫu thuật/thủ thuật, các hoạt động diễn ra tại phòng phẫu thuật/thủ thuật được quản lý an toàn chặt chẽ.

Xem thêm về Một phút timeout được thực hiện như thế nào tại đây.

Time-out trong phòng mổ đảm bảo an toàn trước khi thực hiện phẫu thuật/thủ thuật

Giảm thiểu nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế

Nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc y tế được biết là làm tăng thời gian lưu trú, chi phí chăm sóc sức khỏe và tỷ lệ tử vong. Mỗi năm, các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc y tế dẫn đến tiêu tốn chi phí khoảng 9,8 tỷ đô la, trong đó nhiễm trùng vết mổ là nhiễm trùng phổ biến nhất.

Trong một môi trường đề cao sự an toàn như bệnh viện thì vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn cần phải chặt chẽ.

Các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Phương Châu:

- Các buổi tập huấn, thảo luận về kiểm soát nhiễm khuẩn với các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn từ Bộ Y Tế, Tập Đoàn Kishokai Nhật Bản.

- Ban hành và phổ biến quy trình hướng dẫn vệ sinh tay, hướng dẫn 5 thời điểm cần vệ sinh tay, các hoạt động khuyến khích phong trào vệ sinh tay trong toàn bộ nhân viên y tế

- Đảm bảo công tác vệ sinh, làm sạch

Tập huấn phòng ngừa nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế
Vệ sinh tay đúng cách góp phần giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế

Bên cạnh hướng đến là hình mẫu bệnh viện đi đầu về an toàn và kiểm soát nhiễm khuẩn, Phương Châu còn chú trọng xây dựng môi trường cảnh quan xanh – sạch  - đẹp. Bệnh viện không chỉ là nơi để điều trị mà còn là nơi để nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe. Với không gian xanh bao phủ khoảng 60% diện tích toàn bệnh viện, Phương Châu từ lâu được khách hàng đánh giá là một trong những bệnh viện xanh và thân thiện nhất tại TP. Cần Thơ

Không gian xanh tại BVQT Phương Châu

Giảm nguy cơ té ngã cho người bệnh

Vấn đề phòng ngừa té ngã cho người bệnh là rất quan trọng trong cơ sở y tế. Phòng ngừa té ngã cũng là một mục tiêu quan trọng mà WHO muốn hướng tới. Đây cũng là nội dung không thể thiếu trong tiêu chuẩn chất lượng JCI.

Đánh giá nguy cơ té ngã phải được thực hiện ngay từ đầu khi tiếp nhận người bệnh, đặc biệt là người bệnh có vấn đề di chuyển hay thăng bằng, người cao tuổi,...

Tại Phương Châu, người bệnh sẽ được sàng lọc và đánh giá nguy cơ té ngã kể cả điều trị nội trú hay ngoại trú. Người bệnh nguy cơ té ngã cao được mang vòng nhận diện dễ dàng nhận biết để được chú ý và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các nhân viên y tế.

Nguy cơ té ngã còn xuất phát từ các yếu tố môi trường như các vị trí chuyển tiếp không bằng phẳng của sàn nhà, sàn nhà mới lau, nhà vệ sinh, bậc thang, dốc, cửa sổ lầu cao… Vì thế, tại những vị trí này cần được đánh dấu và cảnh báo để người bệnh dễ dàng nhận thấy và chủ động phòng tránh nguy cơ té ngã.

Cảnh báo nguy cơ té ngã ở những khu vực trơn trượt, không bằng phẳng

3. Báo cáo sự cố/Góp ý cải tiến - Văn hóa tiên tiến đảm bảo an toàn người bệnh

Báo cáo sự cố/Góp ý cải tiến được khuyến khích và đưa vào thực hành hàng ngày tại các bệnh viện như một biện pháp phòng ngừa rủi ro, sai sót. Điều này đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng ở các bệnh viện vận hành theo tiêu chuẩn JCI như tại Phương Châu.

Báo cáo sự cố/Góp ý cải tiến không phải là đổ lỗi hay chỉ trích cá nhân vi phạm mà tinh thần là cùng nhau phát hiện ra sự cố, sai sót. Từ đó giúp chặn đứng nguy cơ ảnh hưởng an toàn người bệnh ngay khi phát hiện. Khi một sự cố được nhận diện, quá trình khắc phục được thực hiện để đảm bảo sự cố không lặp lại lần nữa.

Mỗi hành động báo cáo sự cố/góp ý cải tiến là một bước để tiến gần hơn đến sự tuyệt đối an toàn người bệnh và người báo cáo/góp ý sự cố thực sự được xem như một người hùng.

An toàn người bệnh là hành trình không có kết thúc, nhất là khi bệnh viện đặt mục tiêu vận hành tiêu chuẩn khắt khe như JCI. Có thể nói JCI bao trùm đến từng ngóc ngách và là “con mắt thứ 2” để giám sát thay người bệnh các thực hành tiêu chuẩn an toàn tại bệnh viện. Chính vì thế, con dấu vàng là danh giá và trở thành mục tiêu mà mọi bệnh viện trên thế giới săn đón. Bạn có thể xem thêm về tiêu chuẩn chất lượng JCI tại đây.

Wildcard SSL