"ĐIỂM DANH" NHỮNG LOẠI PHÁT BAN Ở TRẺ SƠ SINH

BS Nguyễn Minh Mẫn, BS khám & điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu

BS Nguyễn Bích Ngân, BS khám & điều trị khoa Sơ sinh, BVQT Phương Châu

Da trẻ sơ sinh rất dễ bị phát ban. Rất may mắn là hầu như các ban ở trẻ sơ sinh là lành tính với con và tự biến mất.

CÁC LOẠI BAN THƯỜNG GẶP Ở TRẺ SƠ SINH:

1. Mụn màu hồng (mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh): nguyên nhân có thể là do sự tiếp xúc với hormon của người mẹ. Không cần điều trị, chỉ cần thời gian mụn sẽ tự khỏi. Chúng có thể tồn tại hàng tuần, thậm chí hàng tháng trên da của trẻ mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho con.

Hình sưu tầm. Mụn trứng cá trẻ sơ sinh

2. Ban đỏ nhiễm độc: là một dạng phát ban thông thường và lành tính ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện là những đốm đỏ, có viền mảnh, trung tâm có thể xuất hiện những nốt màu trắng hoặc màu vàng. Nguyên nhân chưa biết rõ, có thể tự biến mất sau vài ngày mà không cần phải điều trị.

Hình sưu tầm. Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh

3. Da khô bong tróc: là một hiện tượng gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh. Đặt biệt là ở trẻ sinh già tháng. Lớp da bên dưới của bé vẫn hoàn toàn bình thường, mềm và ẩm.

Hình sưu tầm. Da khô bong tróc ở trẻ sơ sinh

4. Mụn nhỏ trên mũi và mặt (mụn thịt hay milia): Do sự tắt nghẽn của tuyến dầu trên da trẻ. Các nốt mụn trắng sẽ tự biến mất khi các tuyến dầu mở ra trong vài ngày hoặc vài tuần.

Hình sưu tầm: Milia trên mũi trẻ sơ sinh

5. Bớt hồng cam (bớt cá hồi) ở trẻ sơ sinh: còn được gọi là vết mổ của cò (sau gáy) hay nụ hôn thiên thần (giữa 2 mắt) đó là một tổ các mạch máu đơn giản. Nó xuất hiện có thể là do ảnh hưởng của các hormon của mẹ khi con trong bào thai. Vết bớt sẽ nhợt dần sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên có một số trường hợp sẽ tồn tại suốt đời.

Hình sưu tầm. Bớt hồng cam sau gáy trẻ sơ sinh

6. Vàng da là sự xuất hiện màu vàng trên da và mắt của trẻ. Nó được gây ra bởi sự dư thừa billirubin (một sản phẩm của quá trình tạo mới các tế bào máu của bé sau sinh). Nếu lượng Bilirubin quá cao, bé cần được nhập viện để chiếu đèn qua da có thể làm giảm lượng bilirubin trong máu của trẻ. Vì sự dư thừa bilirubin sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con.

Hình sưu tầm. Vàng da trên vùng bàn chân của trẻ

7. Vết bớt sắc tố bẩm sinh (còn gọi là bớt mông cổ) là một mảng da sẩm màu, xuất hiện phổ biến và bất kỳ vị trí nào trên cơ thể của trẻ sơ sinh. Nó phẳng, có màu xanh xám (gần giống như vết bầm tím) có thể lớn hoặc nhỏ. Nó thường vô hại và sẽ biến mất dần theo tuổi đi học. 

 

NHỮNG LOẠI BAN PHỔ BIẾN XUẤT HIỆN Ở NHỮNG THÁNG ĐẦU ĐỜI CỦA TRẺ:

1. Viêm da tiết bã (Cradle cap) dân gian còn gọi là cứt trâu, thường xuất hiện khi trẻ được 1-2 tháng tuổi. Các lớp vảy màu vàng, nhờn xuất hiện trên da đầu và có thể bao gồm chấm đỏ, gây khó chịu trên mặt, sau tai, trên cổ và thậm chí ở nách. Bác sĩ sẽ cho bạn biết cách điều trị tốt nhất tình trạng phổ biến này, tùy thuộc vào các triệu chứng của bé.

Hình sưu tầm. Viêm da tiết bã trên vùng đầu của trẻ

2. Bệnh chàm (Eczema) - Eczema là những mảng đỏ, ngứa trên da, thường thấy ở ngực, tay, chân, mặt, khuỷu tay và sau đầu gối của bé. Nguyên nhân là do da khô, nhạy cảm và đôi khi bị dị ứng (mặc dù ở tuổi này có thể khó biết nguyên nhân gây bệnh là gì). Bác sĩ có thể xác định xem phát ban có giống bệnh chàm hay không và kê đơn phương pháp điều trị thích hợp.

Hình sưu tầm. Chàm xuất hiện vùng 2 bên má của trẻ

Nói chung, điều trị bao gồm:

- Sử dụng sửa tắm ít kích ứng, phù hợp cho da bé

- Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng và không có chất làm mềm vải khi giặt đồ cho trẻ sơ sinh

- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da

- Bôi kem steroid (như hydrocortisone hoặc thậm chí một loại mạnh hơn) nếu bệnh chàm không biến mất theo chỉ định của bác sĩ.

3. Rôm sảy (Prickly heat) trông giống như những nốt mụn nhỏ màu đỏ, chủ yếu xuất hiện trên những vùng có xu hướng quá nóng và đổ mồ hôi, như cổ, vùng quấn tã và nách. Cách điều trị là cố gắng giữ cho khu vực này khô ráo và tránh quá nóng bằng cách mặc quần áo rộng rãi, thoải mái cho bé.

Hình sưu tầm. Rôm sẩy xuất hiện vùng vai của trẻ

4. Nhiễm nm (Candidiasis) có thể xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể bé. Trên lưỡi, nó được gọi là tưa lưỡi và trông giống như bợn sữa,  nhưng sữa thì có thể dễ dàng cạo ra được. Ở vùng quấn tã, nấm candida trông giống như phát ban đỏ dữ dội, thường có các nốt nhỏ xung quanh mép. Nhiễm nấm rất thường xuất hiện những vùng da ẩm và tối, vì vậy bạn sẽ thấy mẩn đỏ do nó ở các nếp gấp của đùi. Bệnh nấm Candida được điều trị thuốc uống dạng gel hoặc hỗn dịch (đối với nấm miệng) hoặc kem chống nấm (đối với vùng quấn tã), hoặc cả hai.

Hình sưu tầm. Nấm Candidiasis trong miệng trẻ

Lưu ý cho các bậc phụ huynh :

Trong những tháng đầu đời của trẻ, bất kỳ phát ban nào kết hợ với các triệu chứng khác (như sốt, bú kém, lừ đừ hoặc ho) cần được bác sĩ đánh giá càng sớm càng tốt.

VẬY KHI NÀO CẦN LO LẮNG VỀ TRIỆU CHỨNG PHÁT BAN Ở BÉ :

Trong khi hầu hết các phát ban không nghiêm trọng, một số ít cần chú ý:

- Những mụn nước chứa đầy dịch (đặc biệt là những mụn nước có màu vàng, đục) có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.

- Các chấm nhỏ màu đỏ hoặc đỏ bầm trên cơ thể (chấm xuất huyết) có thể do nhiễm khuẩn khả năng rất nghiêm trọng. Những nốt này không biến mất khi căng da. Bất kỳ trẻ sơ sinh nào có thể có chấm xuất huyết nên được bác sĩ đánh giá ngay lập tức.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình các thông tin cần thiết

* Nguồn tham khảo: http://Webmd.com

 

 

 

 

Wildcard SSL