VITAMINE VÀ KHOÁNG CHẤT TRONG THAI KỲ

ThS.BS. Lương Ngọc Bích, Phó Khoa Cấp cứu Sản-Phòng sanh, BVQTPC

Đã qua giai đoạn NGÀY XỬA NGÀY XƯA khi các chị em bầu cứ mặc định bác sĩ đưa thuốc gì sẽ uống thuốc đó! Giờ đây các bạn có thể tự tìm hiểu trên nhiều phương tiện khác nhau và ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có bạn còn đem cho bác sĩ xem cả những CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NƯỚC NGOÀI có giá trị.

Bài viết này cô đọng lại những kiến thức mà mẹ bầu thường hỏi, giúp mẹ bầu tự tin hơn trong chế độ ăn cũng như viên thuốc hỗ trợ mà các mẹ bầu đang dùng.

VITAMINE VÀ KHOÁNG CHẤT CHO MẸ BẦU LÀ GÌ?

Đó là những chất có được trong chế độ ăn cũng như trong những viên thuốc tổng hợp nhằm hỗ trợ cho mẹ truyền sang thai nhi để giúp thai nhi phát triển.

1. FOLATE:

Folate hay được gọi là Vitamine B9, là loại vitamine tan trong nước. Người trưởng thành và thai nhi đều cần vitamine B9, đây là vitamine cần thiết cho việc hỗ trợ tăng sinh các tế bào mới trong cơ thể.

Folate/Acid folic có ở đâu?

- Folate: chỉ chứa trong thực phẩm tự nhiên như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu.

- Acid folic: là loại tổng hợp, chỉ chứa trong viên thuốc hỗ trợ và không tồn tại trong thực phẩm.

Công thức chuyển đổi: 1gr folate= 0,5-0,6 gr acid folic.

Folate/Acid folic có vai trò gì trong quá trình mang thai?

Đối với thai nhi: folate cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh. Việc sử dụng folate/ acid folic mỗi ngày trước khi thụ thai kéo dài đến những tuần đầu của thai kỳ sẽ làm giảm 85% tỷ lệ dị tật ống thần kinh của thai nhi. Thiếu folate gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến thai như: thai chậm tăng trưởng, dị tật nứt đốt sống, dị tật thai vô sọ, dị tật hở hàm ếch.

Đối với mẹ bầu: Folate ngăn ngừa thiếu máu do thiếu B9.

Theo thống kê có đến 49,3% mẹ bầu thiếu B9 do đó Bộ Y Tế đã đưa ra khuyến cáo bổ sung tối thiểu 600 mcg/ngày để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do thiếu fofate/acid folic.

2. SẮT:

Sắt là thành phần chính của hồng cầu, là một nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong cơ thể, giúp vận chuyển oxy trong cơ thể đến từng tế bào để nuôi dưỡng cơ thể của cả mẹ bầu và thai nhi.

Sắt tự nhiên có mặt trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm các loại thịt đỏ, hải sản, tim, gan, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, các loại hạt, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bí ngô, bông cải và trái cây khô.

Sắt có nguồn gốc động vật hấp thu tốt hơn sắt có nguồn gốc từ thực vật. Khả năng hấp thu ở người bình thường với sắt từ động vật là 10-15% trong khi hấp thu sắt từ thực vật là 5-10%.

Trong thai kỳ, nhu cầu sắt của mẹ bầu tăng lên đáng kể nhằm tạo thêm nguồn máu mới nuôi dưỡng thai nhi và giúp vận chuyển dưỡng chất đến thai nhi. Cụ thể: hàm lượng sắt bổ sung cho bà bầu trung bình là 41.1 mg/ngày.

* Sắt có vai trò gì trong thai kỳ?

Đối với mẹ bầu: sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở mẹ bầu trên Thế Giới chiếm 8%. Việc kết hợp bổ sung sắt và acid folic làm giảm 73% nguy cơ thiếu máu của thai kỳ.

Thiếu máu thiết sắt gây cho mẹ bầu mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn, đau đầu, chóng mặt, ù tai. Đặc biệt là yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ tiền sản giật, sanh non và thai lưu.

Đối với thai nhi: sắt đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành não bộ, tế bào thần kinh và hình thành khối cơ cho thai nhi. Sắt cũng giúp tạo ra hồng cầu trong máu, hỗ trợ thai nhi nhận dưỡng chất và oxy từ máu mẹ một cách hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng trẻ sanh ra bị nhẹ cân hay suy dinh dưỡng.

Bộ Y Tế khuyến cáo: ngay những ngày đầu mang thai, mẹ bầu cần bổ sung sắt với hàm lượng 27.7 – 41.1 mg/ ngày và bổ sung trong suốt thai kỳ.

3. CALCI:

Calci là khoáng chất thiết yếu giúp bảo vệ và phát triển hệ xương đồng thời  tham gia vào quá trình co bóp cơ bắp, hỗ trợ dẫn truyền thần kinh. Trong tự nhiên, calci chứa nhiều trong các loại thực phẩm: hải sản, sữa chua, sữa, phô mai, các loại hạt và đậu.

Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu calci trong cơ thể mẹ bầu tăng lên đáng kể nhất là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

* Calci ảnh hưởng thế nào trong thời kỳ mang thai?

Đối với mẹ bầu: calci giúp duy trì mật độ xương và ngăn ngừa tình trạng tê chân tay, chuột rút.

Đối với thai nhi: calci đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hệ xương, phát triển cơ, tim và hệ thống dẫn truyền thần kinh. Nếu mẹ bầu không cung cấp đủ calci trong thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ lấy calci từ xương để đáp ứng cho thai nhi do đó cơ thể mẹ bầu dễ bị loãng xương, còng lưng và dễ tổn thương xương khi gặp chấn thương.

Bộ Y Tế khuyến nghị: mẹ bầu cần bổ sung calci 1200 mg/ngày (liều có thể cao hơn nếu được chỉ định từ bác sĩ: mẹ bầu kém hấp thu calci).

4. VITAMINE A:

Vitamine A là một loại vitamine giúp cơ thể duy trì nhiều chức năng quan trọng như tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, cải thiện thị giác, chức năng sinh sản và tăng sinh tế bào trong cơ thể.

Trong tự nhiên, vitamine A có nhiều trong nội tạng động vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, sữa và trong các loại rau củ quả sáng màu (cà rốt, xoài, đu đủ,..)

* Vitamine A có vai trò gì trong thai kỳ?

Đối với mẹ bầu: Vitamine A giúp duy trì sức khoẻ của mắt, hệ thống miễn dịch và quá trình tổng hợp các tế bào mới. Vitamine A còn giúp chuyển hoá chất đạm tốt hơn trong cơ thể mẹ bầu.

Đối với thai nhi: Vitamine A tham gia vào quá trình phát triển hệ thống thần kinh trung uơng, tim, phổi, thận, xương, mắt và hệ miễn dịch của thai nhi.

Bộ Y Tế khuyến cáo: mẹ bầu cần bổ sung calci theo chỉ định của bác sĩ sản khoa, liều 650 mcg/ngày.

5. VITAMINE C:

Vitamine C còn được gọi là Axit Ascorbic, là loại vitamine giúp bảo vệ cơ thể chống lại quá trình oxy hoá.

Vitamine C tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây và rau xanh (cam, dâu, kiwi, dưa hấu, rau cải xanh và cà chua)

* Trong thời kỳ mang thai, vitamine C có vai trò thế nào?

Đối với mẹ bầu: vitamine C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể. Ngoài ra vitamine C còn giúp cơ thể mẹ bầu hấp thu chất sắt, giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Vitamine C còn chống rạn da bụng ở mẹ bầu.

Đối với thai nhi: Vitamine C giúp tạo collagen- một loại vitamine cần thiết giúp hình thành da, gân, mạch máu, răng và xương của thai nhi.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, mẹ bầu cần bổ sung vitamine C 110 mg/ngày để duy trì một cơ thể khoẻ mạnh.

6. VITAMINE D:

Vitamine D giúp cơ thể hấp thu calci tốt hơn, duy trì sức khoẻ của xương và men răng.

* Vitamine D có vài trò gì trong thai kỳ?

Đối với mẹ bầu: vitamine D giúp mẹ bầu ngăn ngừa loãng xương, ổn định hệ thống nội tiết tố.

Đối với thai nhi: vitamine D giúp thai nhi phát triển hệ thống xương, răng, hệ thống miễn dịch và hệ thống thần kinh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, mẹ bầu cần bổ sung vitamien D 20mcg/ngày.

CÁC KHOÁNG CHẤT CẦN THIẾT:

Ngoài việc bổ sung các vitamine cần thiết trên, trong thời kỳ mang thai đặc biệt trong giai đoạn hình thành não bộ của thai nhi, mẹ bầu cần bổ sung thêm một số dưỡng chất giúp não bộ thai nhi phát triển tốt như Omega-3 và choline.

7. OMEGA-3:

Omega-3 là một loại axit béo bão hoà mà cơ thể không thể tự sản xuất được do đó chúng được bổ sung từ chế độ ăn bên ngoài.

* Omega-3 có vài trò gì trong thai kỳ?

Đối với mẹ bầu: bổ sung omega-3 giúp cơ thể sản xuất prostaglandin- là chất giúp điều chỉnh huyết áp, khả năng đông máu, dẫn truyền thần kinh, phản ứng viêm, cải thiện chức năng của thận, hệ tiêu hoá. Bổ sung omega-3 đầy đủ còn làm giảm 73% khả năng sanh non.

Đối với thai nhi: Omega-3 giúp hỗ trợ sự phát triển của võng mạc mắt và não bộ của thai nhi.

Liều Omega-3 được khuyến cáo: 800mg/ngày (200mg DHA/ngày)

8. CHOLINE:

Choline là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần để hỗ trợ chức năng thần kinh. Choline là chất cơ thể tự sản xuất được nhưng với hàm lượng rất thấp nên cần bổ sung từ bên ngoài.

Choline thường thấy trong nhiều thực phẩm: thịt đỏ, gan động vật, lòng đỏ trứng, cá hồi, ức gà, các loại hạt, đậu nành.

* Choline có ý nghĩa gì với mẹ bầu và thai nhi?

Đối với mẹ bầu: choline giúp hỗ trợ chức năng gan, giúp chuyển hoá các chất béo ra khỏi gan và cần thiết cho quá trình sản sinh acetylcholine- một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò cải thiện trí nhớ và điều chỉnh cảm xúc của mẹ bầu.

Đối với thai nhi: Choline hỗ trợ sự phát triển của não bộ, có vai trò hình thành và hoạt động của các synapse- cấu trúc quan trọng kết nối các sợi thần kinh, giúp cải thiện khả năng học hỏi và tăng cường trí nhớ của trẻ sau sanh.

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ

Tổng đài: 1900 54 54 66

Đặt lịch hẹn khám: 0907 939 346

Wildcard SSL