TÌM HIỂU VỀ KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ

BS. Phan Thị Mỹ Xuyên, Chuyên khoa Sản Phụ, BVQT Phương Châu

Thông thường chuyển dạ sẽ xảy ra phổ biến từ tuần thứ 38-40 của thai kỳ với những cơn gò tử cung đều đặn. Tuy nhiên không phải lúc nào quá trình chuyển dạ cũng xảy ra một cách tự nhiên mà phải thông qua sự can thiệp của bác sĩ. Biện pháp này được gọi là khởi phát chuyển dạ.

1. KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ LÀ GÌ?

Khởi phát chuyển dạ là quá trình bác sĩ sử dụng thuốc hoặc các phương pháp cơ học gây ra cơn gò tử cung trước khi có chuyển dạ tự nhiên nhằm mục đích gây chuyển dạ để kết thúc thai kỳ.

2. KHI NÀO THAI PHỤ CẦN ĐƯỢC KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ?

Chuyển dạ là quá trình diễn tiến xuất hiện các cơn gò tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở, kết quả là thai và nhau được sổ ra ngoài. Khởi phát chuyển dạ được chỉ định khi an toàn cho mẹ và thai nhi được ưu tiên hơn so với việc tiếp tục để thai nhi trong tử cung người mẹ.

Các chỉ định khởi phát chuyển dạ phổ biến thường gặp:

- Thai quá ngày dự sanh ≥ 40 tuần: chưa xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ

- Ối vỡ tự nhiên nhưng không có dấu hiệu sanh

- Bệnh lý mẹ: tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đái tháo đường, bệnh lý thận, tim,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai

- Thiểu ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung...

3. CÁC PHƯƠNG PHÁP KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ?

- Prostaglandin: thuốc giúp cổ tử cung mềm và mở dễ dàng hơn. Có nhiều loại khác nhau: uống, ngậm đặt.

- Oxytocin: là thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch, kích thích tạo các cơn gò tử cung

- Lóc màng ối: bác sĩ sẽ sử dụng 1-2 ngón tay đưa sâu vào lỗ trong cổ tử cung để tách màng ối ra khỏi cổ tử cung

- Đặt bóng nong cổ tử cung:  sử dụng bóng của ống Foley đưa vào lỗ trong cổ tử cung, sau đó bơm nước làm căng bóng để tách màng ối với cổ tử cung

- Bấm ối: khi cổ tử cung đã nở một phần và thai là ngôi đầu, bác sĩ sẽ sử dụng tay hoặc dụng cụ làm cho ối vỡ

- Se đầu vú: se đầu núm vú sẽ kích thích tuyến yên tiết ra oxytocin-chất tạo nên cơn gò tử cung.

Hình minh họa một trong những phương pháp khởi phát chuyển dạ

4. CÁC NGUY CƠ KHI KHỞI PHÁT CHUYỂN DẠ

Những nguy cơ có thể gặp khi khởi phát chuyển dạ mẹ bầu cần lưu ý:

+ Khởi phát chuyển dạ thất bại: khi đó bác sĩ sẽ xem xét mổ lấy thai

+ Cơn gò tử cung cường tính: có thể gây suy thai, vỡ tử cung

+ Chảy máu sau sanh: do kích thích chuyển dạ làm tử cung co kém sau sanh

Không được khởi phát chuyển dạ cho những trường hợp sau:

+ Tiền căn mổ dọc thân tử cung, mổ bóc u xơ tử cung, vỡ tử cung, xén góc tử cung

+ Nhau tiền đạo, mạch máu tiền đạo

+ Sa dây rốn

+ Herpes sinh dục

+ Ung thư cổ tử cung

+ Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông

5. MẸ BẦU NÊN LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP NÀO?

Mỗi thai phụ sẽ được bác sĩ khám đánh giá toàn diện, chỉ định và tư vấn phương pháp phù hợp và an toàn đối với từng thai phụ. Tất cả các phương pháp khởi phát chuyển dạ đều có lợi ích và nguy cơ riêng. Do đó thai phụ nên lựa chọn thực hiện tại cơ sở y tế uy tín và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Đây cũng là lời khuyên và lưu ý dành cho thai phụ trước những quyết định lựa chọn khởi phát chuyển dạ một cách an toàn, hiệu quả và phù hợp nhất.

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU

300 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ

Tổng đài: 1900 54 54 66

Wildcard SSL