DÂY RỐN QUẤN CỔ KHI MANG THAI CÓ SAO KHÔNG?

BS.CKII. Nguyễn Duy Linh, Giám Đốc Chuyên môn, Tập Đoàn Y Tế Phương Châu

1. DÂY RỐN QUẤN CỔ CÓ SAO KHÔNG?

Dây rốn quấn cổ 1 hay 2 vòng thường ít ảnh hưởng đến thai nhi.

Hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng để nói rằng dây rốn quấn cổ làm tăng tỉ lệ thai chết lưu trong bụng mẹ, mặc dù có vẻ như dây rốn quấn cổ nhiều vòng thì nguy cơ sẽ tăng cao hơn so với dây rốn quấn cổ 1 vòng hoặc không có dây rốn quấn cổ [1].

Nếu chỉ có dây rốn quấn cổ đơn thuần, thì đây không được xem là yếu tố nguy cơ của thai lưu (vì nguyên nhân thai lưu trọng bụng mẹ có liên quan đến rất nhiều nguyên nhân khác, như: nhau bong non, đái tháo đường, nhiễm trùng, thai chậm tăng trưởng, bất thường nhiễm sắc thể…)[2]

Nguy cơ thai lưu sẽ tăng gấp 4 lần khi có dây rốn thắt nút so với không có dây rốn quấn cổ hoặc chỉ quấn cổ 1 vòng [1]

Hình 1:  Bảng dữ liệu thống kê tỷ lệ nguy cơ thai lưu khi có và không có dây rốn quấn cổ

2. DÂY RỐN QUẤN CỔ CÓ LÀM THAI CHẬM TĂNG TRƯỞNG TRONG TỬ CUNG HAY KHÔNG?

Câu trả lời là Không.

Dây rốn quấn cổ không liên quan đến việc làm cho thai bị nhỏ hay bị chậm tăng trưởng trong tử cung [1]

3. DÂY RỐN QUẤN CỔ CÓ “SIẾT CỔ” VÀ LÀM CHO THAI NHI BỊ NGẠT THỞ KHÔNG?

Câu trả lời là Không.

Đa phần các mẹ lo lắng rằng khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, sẽ bị siết chặt và có thể gây nguy hiểm. Nhưng theo các nghiên cứu thấy rằng, dây rốn quấn cổ nếu chỉ 1 hay 2 vòng sẽ không gây ra tình trạng này.

Chúng ta nên biết, thai nhi khi còn trong bụng mẹ (nằm trong buồng ối), sẽ không có hoạt động hít thở bằng phổi như chúng ta bên ngoài. Phổi thai nhi chỉ là 2 khối đặc, tạm thời không hoạt động và sẽ không có không khí đi vào hay đi ra khỏi phổi nên sẽ không thể có tình trạng thai nhi bị quấn cổ dẫn đến “ngạt thở”.

Hình 2:  Hình ảnh minh hoạ dây rốn quấn cổ thai nhi

4. CÓ NHIỀU THAI KỲ GẶP TÌNH TRẠNG DÂY RỐN QUẤN CỔ KHÔNG?

Tỉ lệ dây rốn quấn cổ gia tăng khi tuổi thai càng tăng.

Theo 1 nghiên cứu trên 270,000 ca sanh, tỉ lệ dây rốn quấn cổ 1 vòng là 16%, 2 vòng là 3%, 3 vòng là 1% và quấn cổ 4 vòng là dưới 1% [4].

Theo 1 nghiên cứu khác, tỉ lệ dây rốn quấn cổ khi sanh là 19-24% [1], nên có thể thấy, cứ 4-5 người mang thai thì sẽ có 1 nhất 1 người có tình trạng dây rốn quấn cổ.

5. CÓ MẤY LOẠI DÂY RỐN QUẤN CỔ?

Loại A (hình bên trái): Đầu dây rốn phía bánh nhau bắt chéo phía trên, quấn vào cổ thai nhi theo kiểu không khóa. Kiểu dây rốn quấn cổ dạng này có thể tự tháo ra khi thai nhi cử động.

Loại B (hình bên phải): Đầu dây rốn phía bánh nhau bắt chéo phía phía dưới, quấn vào cổ thai nhi theo kiểu khóa. Kiểu dây rốn quấn cổ dạng này không thể tự tháo ra khi thai nhi cử động, có thể dẫn đến tình trạng dây rốn thắt nút khi dây rốn chạy dọc theo cơ thể thai nhi, và có thể gây nguy hiểm cho thai.

Hình 3A-B: Hình minh hoạ 2 loại dây rốn quấn cổ

6. CÓ CÁCH NÀO ĐỂ TRÁNH DÂY RỐN QUẤN CỔ KHÔNG?

Điều này là Không thể.

Thai nhi khi nằm trong bụng mẹ sẽ cử động tự do và liên tục. Người mẹ không thể “điều khiển” cử động của thai nhi theo ý của mình được. Chính vì vậy, sẽ không có cách để trách tình trạng dây rốn quấn cổ, đồng thời việc này cũng không thật sự cần thiết bởi đa số các trường hợp vẫn an toàn khi tình trạng dây rốn quán cổ xãy ra.

7. NÊN LÀM GÌ KHI THAI NHI BỊ DÂY RỐN QUẤN CỔ 1 VÒNG?

Không cần làm gì cả trong đa số các trường hợp khi siêu âm nghi ngờ có 1 hay 2 vòng dây rốn quấn cổ.

Tuy nhiên, BS Sản khoa có vài lời khuyên sau:

- Các mẹ nên đi khám thai và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của BS.

- Bắt đầu từ 28 tuần, các mẹ nên theo dõi cử động thai định kỳ (theo dõi thai máy), ít nhất 4 lần/ngày, buổi sáng, trưa, chiều và tối theo hướng dẫn của BS.

- Trung bình cứ mỗi giờ, thai nhi sẽ máy ít nhất 4 lần/giờ. Trừ khi thai nhi đang ngủ thì thai nhi sẽ không máy (thai thường ngủ khoảng 40-60 phút, sau đó sẽ thức và máy trở lại với ít nhất 4 lần/1 giờ).

- Theo các BS, khi siêu âm thấy dây rốn quấn cổ ≥ 3 vòng thì nên tăng cường theo dõi thai nhi bằng siêu âm Doppler màu và đo tim thai bằng monotoring sản khoa định kỳ, đồng thời nên có kế hoạch sanh khi thai nhi đủ tháng [2,3].

8. SIÊU ÂM CÓ THỂ CHẨN ĐOÁN DÂY RỐN QUẤN CỔ KHÔNG?

Câu trả lời là Có.

Chẩn đoán dây rốn quấn cổ dựa theo siêu âm khi thấy ít nhất 75% vùng cổ thai nhi bị bao quanh bởi dây rốn.

Siêu âm trắng đen có thể thấy được 70% các trường hợp dây rốn quấn cổ, còn trên siêu âm Doppler màu tỉ lệ này là 83 - 97%.

Hình 4: Siêu âm trắng đen và Doppler màu dây rốn quấn cổ 2 vòng

(Nguồn:https://www.uptodate.com/contents/image?imageKey=OBGYN%2F108023&topicKey=OBGYN%2F14181&search=nuchal%20cord&rank=1~13&source=see_link)

9. DÂY RỐN QUẤN CỔ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHI LÚC SANH KHÔNG?

Đa số các trường hợp có dây rốn quấn cổ sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi lúc sanh. Thai nhi vẫn có thể sanh ngã âm đạo khi có dây rốn quấn cổ nếu đoạn dây rốn còn lại bên ngoài đủ dài.

Trường hợp dây rốn còn lại ngắn quá, khi đó việc di chuyển đi xuống và xoay của thai nhi sẽ khó khăn, chuyển dạ sẽ kéo dài, lúc đó BS có thể cân nhắc chuyển mổ lấy thai theo chỉ định. 

Hình 5: Hình minh hoạ dây rốn quấn cổ vẫn có thể sanh ngã âm đạo (sanh thường)

10. DÂY RỐN QUẤN CỔ CÓ PHẢI LÀ CHỈ ĐỊNH BẮT BUỘC MỔ LẤY THAI HAY KHÔNG?

Dây rốn quấn cổ không phải là một chỉ định bắt buột của mổ lấy thai vì đa số các trường hợp vẫn có thể sanh ngã âm đạo (sanh thường) được khi có dây rốn quấn cổ 1 hay 2 vòng, thậm chí có những trường hợp nhiều hơn 2 vòng.

Trường hợp dây rốn quấn cổ nhiều ≥ 3 vòng thì tùy tình trạng của người mẹ và thai nhi mà BS sẽ có cách xử trí khác nhau, mục đích cuối cùng là để giúp cho mẹ và thai nhi được an toàn, khỏe mạnh.

* Tài liệu tham khảo:

 [1] Sherer DM, Roach C, Soyemi S, Dalloul M. Current Perspectives of Prenatal Sonographic Diagnosis and Clinical Management Challenges of Complex Umbilical Cord Entanglement. Int J Womens Health 2021; 13:247.

[2] Hayes DJL, Warland J, Parast MM, et al. Umbilical cord characteristics and their association with adverse pregnancy outcomes: A systematic review and meta-analysis. PLoS One 2020; 15:e0239630.

 [3] Schreiber H, Daykan Y, Arbib N, et al. Adverse pregnancy outcomes and multiple nuchal cord loops. Arch Gynecol Obstet 2019; 300:279.

 [4] J.C. Carey, W.F. Rayburn. International Journal of Gynecology & Obstetrics 69 2000 173 Ž . 174. Nuchal cord encirclements and risk of stillbirth

Wildcard SSL